I. VÀI NÉT VỀ BÀI THƠ

1. Hoàn cảnh sáng tác.

- Bài thơ này rút từ tập Nhật kí trong tù, tập thơ Hồ Chí Minh sáng tác hại Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong suốt mười ba tháng.

- Cảm hứng của bài thơ được gợi lên bởi cuộc chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

2. Thể loại: Thơ tứ tuyệt

3. Bài thơ tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại - một nét phong cách nghệ thuật tiêu biểu của tập Nhật kí trong tù.

II. Gợi Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. So sánh bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, tìm những chỗ chưa sát với nguyên tác.

Chẳng hạn:

- Câu 2: Nguyên tác là “Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch nghĩa: Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không

Dịch thơ: Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Các từ dịch chưa sát:

+ “Cô vân” dịch thơ là “chòm mây” thì chưa nói được sự lẻ loi, cô đơn.

+ “Mạn mạn” nghĩa là “trôi lững lờ” dịch thơ là “trôi nhẹ” chưa thể hiện được sự mệt mỏi, không muốn trôi, trôi một cách chậm chạp của chòm mây.

- Câu 3: Nguyên tác là “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”

Dịch nghĩa: Thiếu nữ xóm núi xay ngô

Dịch thơ: Cô em xóm núi xay ngô tối

+ Dịch thơ chưa phù hợp: “thiếu nữ” dịch là “cô em” không hợp với cách nói của Bác.

+ Dịch thơ dư từ “tối” (Bác không nói “tối” mà từ hình ảnh lò than “hồng” đã có ý cho biết trời tối)

2. Bức tranh thiên nhiên trong hai câu đầu

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không.

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

- Hình ảnh cánh chim:

+ Ý nghĩa tả thực: Cánh chim chiều nên dáng bay mệt mỏi nhưng hướng bay có mục đích “về rừng tìm chốn ngủ”. Chiều tối đối với vạn vật là sự trở về nơi nghỉ ngơi. Hoạt động của chim có động lực thúc đẩy.

+ Ý nghĩa liên tưởng: Giữa chủ thể trữ tình (người tù bị giải đi suốt một ngày, chiều tối vẫn ở trên đường) với hình ảnh cánh chim có nét tương đồng ở chỗ là đều mỏi mệt, chim tiếp tục bay, người tù tiếp tục đi; nhưng lại có nét tương phản ở chỗ chim cố gắng bay để được về tổ ấm, còn người tù tiếp tục đi cũng chỉ đến một nhà lao khác mà thôi. Người tù chẳng có động lực thúc đẩy. Nếu không có bản lĩnh thì rất dễ mệt mỏi, chán nản.

Mặt khác, khi nhìn cánh chim bay về núi lúc chiều tối làm sao Bác khỏi chạnh lòng. Có lẽ người rất nhớ đất nước, nhớ đồng bào.

- Hình ảnh chòm mây:

+ Ý nghĩa tả thực: Chòm mây lẻ trôi lững lờ giữa tầng không. (Cũng như cánh chim sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi bay về tổ để nghỉ ngơi, đám mây cũng như muốn ngừng hoạt động → hình ảnh phù hợp với cảnh chiều tà)

+ Ý nghĩa liên tưởng: Đám mây lẻ loi giữa bầu trời cũng như sự cô đơn, lẻ loi của người tù giữa bao la rừng núi (mặc dù xung quanh có lính áp giải nhưng đó là kẻ thù)

→ Thiên nhiên được miêu tả bằng bút pháp cổ điển:

• Bút pháp ước lệ (hình ảnh chim bay về núi - chỉ thời gian chiều tối)

• Hình ảnh chọn lọc nói lên được cái hồn của cảnh núi rừng lúc chiều tối: đẹp nhưng tĩnh lặng, phảng phất buồn.

• Tả cảnh ngụ tình (người tù kín đáo gửi tâm trạng qua cảnh)

3. Bức tranh đời sống trong hai câu cuối

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô di hồng

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

- Hình ảnh thiếu nữ xay ngô là trung tâm của bức tranh, thu hút sự chú ý của người tù. Đó là một vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động. Sự xuất hiện của “thiếu nữ xay ngô” khiến cho bài thơ có một bước phát triển mới:

+ Nếu như ở hai câu đầu, thiên nhiên đã đi vào sự nghỉ ngơi thì con người vẫn gợi lên nhịp sống dẻo dai.

+ Cảnh ở hai câu đầu rất tĩnh thì đến đây nhờ hoạt động xay ngô của thiếu nữ mà trở nên sinh động hơn.

+ Đặc biệt là lò than rực hồng được bàn tay thiếu nữ nhen nhóm lên. Một chút sáng trong đêm tối cũng nhen nhóm được niềm vui, niềm lạc quan. Một chút ấm từ màu hồng của lò than, cũng xóa bớt cảm giác lạnh lẽo, cô đơn trong lòng người tù, xa xứ. Chữ “hồng” cuối bài thơ có thể gọi là thi nhân.

→ Hai câu cuối miêu tả cảnh bằng tinh thần hiện đại:

• Hình tượng thơ có sự vận động tích cực.

• Bài thơ kết thúc ở màu hồng.

• Đằng sau cặp mắt quan sát cảnh là tâm hồn của một người chiến sĩ cộng sản luôn hướng tới cuộc sống để tìm niềm vui, tăng niềm lạc quan tin tưởng để bước tiếp trên con đường chuyển lao gian khổ.

4. Nghệ thuật tả cảnh và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ:

- Đậm màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.

- Ngôn ngữ tả ít, gợi nhiều, ý tồn tại ngoài lời.

III. LUYỆN TẬP

1. Thép và tình trong bài Chiều tối.

- Chất thép: Tinh thần chiến sĩ chủ động, bình tĩnh trước gian khổ, biết vượt lên hoàn cảnh bằng niềm lạc quan.

- Tình: Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống bình dị của người lao động.

2. Cảm nghĩ về hình ảnh buổi chiều và cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh và trong khổ cuối bài Tràng giang của Huy Cận.

- Bài Tràng giang:

+ Hình ảnh tương phản giữa cá thể (cánh chim với vũ trụ hùng vĩ, rộng lớn, lớp lớp mây cao đùn núi bạc) diễn tả cảm xúc cô đơn, rợn ngợp.

+ Kết thúc là nỗi buồn nhớ quê hương - Cũng là do chủ thể trữ tình cảm nhận sự lạc loài của mình trước cuộc đời.

- Bài Chiều tối:

+ Có chút buồn, chút mệt mỏi trước hoàn cảnh gửi gắm kín đáo qua hình ảnh thiên nhiên - Nhưng chủ thể trữ tình vẫn toát lên phong thái bình tĩnh, ung dung.

+ Hướng về cuộc sống con người để tiếp thêm nghị lực.

+ Bài thơ kết thúc trong niềm tin tưởng, lạc quan. Đó là tâm hồn người chiến sĩ cách mạng.