I. VÀI NÉT HIỂU BIẾT VỀ ĐOẠN THƠ
- Xuất xứ đoạn trích:
+ Đoạn thơ Lẽ ghét thương trích từ câu 479 đến câu 504 trong tổng số 2082 câu thơ của Truyện Lục Vân Tiên (Tác phẩm Lục Vân Tiên các em đã được giới thiệu và đọc hiểu một số đoạn trích ở lớp 9 – Các em nhớ lại kiến thức đã học và tìm hiểu thêm về tác phẩm qua phần Tiểu dẫn ở bài học).
+ Đoạn trích là lời của ông Quán nói với bốn chàng nho sinh (Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm) khi họ cùng đến uống rượu làm thơ trong quán cơm của ông trước lúc vào thi.
- Vai trò của nhân vật ông Quán trong đoạn trích và tác phẩm:
Ông Quán nằm trong hệ thống các lực lượng phù trợ cho nhân vật chính trên con đường thực hiện nhân nghĩa (Bên cạnh ông Quán, còn có ông Ngư, ông Tiều, Tiểu Đồng, lão bà dệt vải...): Đây là nhân vật biểu tượng cho tình cảm yêu ghét phân minh, trong sáng của quần chúng.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Qua những điều ông Quán ghét và những người ông Quán thương, rút ra nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của tác giả.
- Phần nói về “lẽ ghét” gồm mười câu đầu.
+ Hai câu mở đầu khái quát lẽ ghét: ông rất ghét (ghét cay ghét đắng...) những việc vu vơ, chơi nhảm không có ý nghĩa đối với dân (ghét việc tầm phào).
+ Tám câu tiếp theo, mỗi câu nói về nỗi ghét cụ thể đối với vua chúa thì có một câu nói về cảnh khổ của nhân dân.
• Ghét Kiệt, Trụ mê dâm → Để dân sa hầm sẩy hang.
• Ghét U Lệ đa đoan → Để dân lầm than muôn phần.
• Ghét đời Ngũ Bá lộn xộn, gây loạn lạc → Để dân nhọc nhằn.
• Ghét đời Thúc quý sớm đầu tối đánh → làm rối dân.
- Các vua chúa chỉ lo ăn chơi hoang dâm vô độ, tranh quyền, đoạt lợi không quan tâm đến chính sự đang rối ren, không nghĩ gì đến đời sống lầm than nhọc nhằn của dân. Qua lời ông Quán, có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu đứng về phía nhân dân bị áp bức mà lên án bạn vua chúa bạo ngược. Tác giả nói về vua chúa Trung Quốc nhưng ngụ ý chỉ hiện tình xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.
- Phần nói về “lẽ ghét” gồm 14 câu: Tác giả nói đến những bậc hiền tài phải chịu lận đận, không được ước nguyện giúp đời.
+ Khổng Tử “đức thánh nhân” đi khắp nơi tìm cách hành đạo nhưng không được.
+ Nhan Uyên học trò giỏi nhất của Khổng Tử, hiếu học đức độ, nhưng chết sớm công danh lỡ dở.
+ Gia Cát Lượng tài trí nhưng không gặp thời vận.
+ Đổng Trọng Thư học rộng tài cao, làm quan nhưng không được trọng dụng, không có điều kiện thi thố tài năng.
+ Đào Uyên Minh không chịu luồn cúi quan trên nên lui về ở ẩn.
+ Hàn Dù vì dâng sớ can ngăn mà bị vua giáng chức, bị lưu đày.
+ Ba thầy trò Liêm, Lạc những nhà triết học nổi tiếng, làm quan nhưng không được tin dùng, lui về dạy học.
- Những nhân vật đó, mỗi người một vẻ nhưng họ là trí thức nho sĩ có tài, ngay thẳng nhưng không gặp thời, không có điều kiện thi thố tài năng. Nguyễn Đình Chiểu từ chỗ nghĩ cho đời mà tiếc thương cho những bậc tài trí đó. Họ cũng chính là phần nào đó bóng dáng của tác . giả, một người mơ ước lập thân để giúp đời những bước chân vào đời gặp nhiều bất hạnh.
2. Giải thích một câu thơ khác của Nguyễn Đình Chiểu:
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương
Câu này ý nói người ta biết ghét bởi vì người ta biết thương.
Căn nguyên của nỗi ghét là lòng thương, vì thương dân nên mới ghét kẻ hại dân.
3. Đặc trưng của bút pháp trữ tình của Nguyễn Đình Chiểu qua đoạn trích:
Triết lí đạo đức nhưng không khô khan, ngược lại chứa đầy cảm xúc. Cảm xúc đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng cao cả của nhà thơ nên đi thẳng vào trái tim người đọc, người nghe mặc dù ngôn ngữ có khi còn mộc mạc, thô sơ.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
1. Những người dân thường ít học lại có thể thuộc và yêu thích đoạn thơ nhiều điển cố này, vì:
+ Điển cố đều được dẫn giải cụ thể nội dung, được lồng vào trong ý thơ nên dễ hiểu.
+ Tác giả đứng về phía nhân dân, xuất phát từ quyền lợi của nhân dân mà bày tỏ lẽ ghét, thương. Người đọc dù ít học vẫn cảm thấy những điều đồng điệu với tâm hồn mình.
2. Các em có thể chọn hai câu đầu hoặc hai câu cuối vì đó là những câu có tính khái quát cảm xúc. Các em thử bình giảng hai câu đầu của bài thơ (chú ý đối tượng ghét “việc tầm phào” và mức độ của sự ghét “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”).