Tiết 1

GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Phân biệt khái niệm nghị luận và chính luận.

- Nghị luận là thao tác tư duy nhằm diễn đạt những lí lẽ, lập luận về một vấn đề nào đó cần phải làm sáng tỏ nhận thức và quan điểm (Nghị luận văn học, nghị luận xã hội...)

- Chính luận là văn bản nhằm trình bày quan điểm chính trị của một đảng phái, tổ chức chính trị hoặc của các nhà hoạt động chính trị, xã hội để thuyết phục người khác theo quan điểm của mình.

2. Có thể khẳng định đoạn văn “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước... nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” thuộc phong cách chính luận. Vì:

- Đây là một đoạn trích trong bài viết của Hồ Chí Minh nhằm trình bày, đánh giá một vấn đề mang tính thời sự, chính trị: Tinh thân yêu nước của nhân dân ta.

- Ngôn ngữ chính luận: từ ngữ chính trị (yêu nước, truyền thống, dân, Tổ quốc, xâm lăng, bán nước, cướp nước...) câu văn là những nhận định, phán đoán.

- Lí trí kết hợp biểu cảm (từ ngữ giàu cảm xúc, truyền cảm: nồng nàn, quý báu, sôi nổi, làn sóng mạnh mẽ, lướt, nhấn chìm...).

3. Phân tích bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh để chứng minh: Lời văn trong bài văn giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng diễn đạt nội dung phong phú, lập luận vững chắc.

Gợi ý: Phân tích mặt diễn đạt của văn bản qua các luận điểm:

- Tình thế buộc ta phải kháng chiến: Ta đã nhân nhượng nhưng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng có ý đồ cướp nước ta.

- Tinh thần quyết tâm chiến đấu để giữ nước: Bất kì người Việt Nam nào với bất kì phương tiện gì cũng có thể dùng làm vũ khí đều phải đứng lên chống Pháp (Từ ngữ giản dị: đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ; vũ khí: súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc..).

- Niềm tin vào thắng lợi của quân dân ta.

Tiết 2

GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau:

Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

(Hồ Chí Minh - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

- Điệp ngữ: Ai có... dùng...

- Liệt kê: súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc. (Cách liệt kê giáng bậc, từ lớn đến nhỏ, từ vũ khí đến dụng cụ thô sơ).

2. Viết một đề cương bài nói chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Thư gửi các học sinh.

Bài tập này các em luyện tập ở nhà.

Lưu ý: Bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

- Luận điểm, luận chứng phải bám sát vấn đề. Chứng minh (tầm quan trọng của việc học tập) của thế hệ trẻ đối với tương lai đất nước.

- Dẫn chứng cần cụ thể, có chọn lọc, lí lẽ mạch lạc, có sức thuyết phục.

3. Viết một đoạn văn chứng minh nhận định sau: Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên.

- Bài tập này yêu cầu các em luyện viết đoạn văn chứng minh (thuộc văn bản chính luận). Cần nắm vững đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ chính luận để sử dụng phương tiện diễn đạt phù hợp.

- Có thể dựa vào các ý sau để viết đoạn văn:

+ Tình cảm yêu nước không phải tự nhiên sinh ra là đã có sẵn hoặc không phải do nhận thức lí trí, trừu tượng mà có.

+ Tình yêu nước ở mỗi người bắt đầu từ những kỉ niệm thời thơ ấu gắn bó với gia đình, người thân, với quê hương và cộng đồng.

+ Tình cảm đó phát triển đến độ sâu sắc sẽ khiến cho con người có ý thức về nghĩa vụ đối với quê hương, cộng đồng. Đó là cơ sở tạo nên tình cảm lớn: Lòng yêu nước.