I. MỤC TIÊU CỦA TIẾT HỌC

- Củng cố và nâng cao kiến thức về lập luận, phân tích

- Viết được lập luận phân tích về một vấn đề nào đó.

II. LUYỆN TẬP

* Yêu cầu

- Chọn một vấn đề trong đời sống hoặc văn học

- Dự kiến cách phân tích: phân tích những yếu tố nào (các khía cạnh)

- Chọn một khía cạnh để viết thành đoạn văn.

* Gợi ý

- Đề bài: Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

+ Các khía cạnh, yếu tố cần phân tích:

+ Bài thơ làm nổi bật chân dung bà Tú:

- Tảo tần, đảm đang

- Hi sinh vì chồng con

+ Bài thơ thể hiện lòng yêu mến, quý trọng, biết ơn của Tú Xương đối với vợ. Trên cơ sở các ý đã đề xuất các em chọn một khía cạnh để viết thành đoạn văn phân tích (Chú ý chọn cách phân tích đối tượng theo các mối quan hệ đã học). Sau đây là một đoạn văn tham khảo:

Câu thơ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” mượn hình ảnh con cò trong ca dao “Con cò lặn lội bờ sông...” nhưng có bàn tay nghệ sĩ tài hoa trau chuốt thêm. Ca dao nhiều lần dùng con cò để nói về người phụ nữ, người vợ, người mẹ. Nhưng ca dao hầu như chỉ dừng lại ở phép so sánh ví von gián tiếp. Ở đây Tú Xương đồng nhất trực tiếp thân cò vào thân phận người vợ chứ không phải chỉ gián tiếp nói con cò. Ca dao diễn đạt bình thường trung tính “Con cò lặn lội...”, Tú Xương đảo lại “Lặn lội thân cò...” nhấn mạnh sự vất vả lam lũ lặn lội. Sau cùng, cái khung cảnh kiếm ăn của thân có trong câu thơ không phải là cái bờ sông bất kì, có thể quạnh quẽ hay đông vui nào mà định hướng hơn, đó là “quãng vắng”... Tất cả các yếu tố ấy đều có thể nói và để nói được rõ hơn, hay hơn cái vất vả của người vợ mang số phận “thân cò” trong câu thơ.

- Đoạn văn trên phân tích khía cạnh “sự vất vả tảo tần” của bà Tú. Cách phân tích dựa trên sự liên hệ so sánh đối tượng với các đối tượng khác.