I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ BÀI THƠ
1. Tác giả Tố Hữu (1920 - 2002)
Các em đọc phần Tiểu dẫn, tóm tắt những nét chính về tiểu sử và sáng tác của Tố Hữu. Cần lưu ý mấy điểm sau:
- Tố Hữu giác ngộ cách mạng rất sớm (Mười sáu tuổi đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên; Mười tám tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương) Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng.
- Với Tố Hữu, có thể nói lí tưởng đấu tranh cách mạng là lẽ sống và cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca.
- Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng, nên các chặng đường thì cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.
- Đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu là chất trữ tình chính trị về nội dung và tính dân tộc đậm đà trong nghệ thuật biểu hiện.
2. Bài thơ
- Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ rút từ phần Máu lửa của tập Từ ấy. Tháng 7-1938 Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Bài thơ ra đời như là cái mốc mở đầu cho con đường cách mạng của người thanh niên yêu nước.
- Bài thơ thể hiện niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cách mạng, những nhận thức mới về lẽ sống và sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nào để chỉ lí tưởng và biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng?
- Hai câu thơ đầu khổ 1:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hình ảnh: nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim... là những hình ảnh ẩn dụ khẳng định lí tưởng cách mạng như nguồn sáng mới soi sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy rực rỡ như nắng hạ, kì diệu như ánh sáng mặt trời tỏa ra những tư tưởng đúng đắn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản, mở ra trong tâm hồn người thanh niên một chân trời mới: hiến dâng cho cách mạng (Chú ý các động từ: bừng, chói nhấn mạnh sự bừng chiếu, soi sáng của lí tưởng vào lẽ sống của nhà thơ)
- Hai câu thơ cuối khổ 1:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Hình ảnh so sánh: Hồn như vườn hoa lá - đậm hương rộn tiếng chim. Ánh mặt trời kì diệu đã mang sức sống đến cho thiên nhiên khiến tất cả dậy sắc, lên hương, tràn ngập âm thanh rộn rã. Tố Hữu đón nhận lí tưởng với niềm vui sướng vô hạn như cây cỏ, hoa lá đón ánh sáng mặt trời. Bút pháp trữ tình lãng mạn kết hợp với hình ảnh so sánh độc đáo đã giúp nhà thơ diễn đạt thành công cảm xúc sung sướng hạnh phúc và niềm biết ơn vô hạn hướng về lí tưởng của Đảng.
2. Khi có ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức về lẽ sống như thế nào?
Các em tìm hiểu khổ thơ 2 để giải đáp câu hỏi này.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
- Chú ý cách diễn tả:
Lòng tôi buộc
Tình tôi trang trải
Hồn tôi gần gũi
→Với mọi người - những hồn khổ.
- Khi được giác ngộ lí tưởng Tố Hữu đã nhận thức được lẽ sống mới: tự nguyện hòa “cái tôi” cá nhân vào “cái ta” chung của mọi người, trải rộng tình cảm với đời, đồng cảm với nỗi khổ của con người.
- Điều đặc biệt là tình yêu thương của người trí thức tiểu tư sản đã hướng đến quần chúng lao khổ với mục đích đoàn kết tăng thêm sức mạnh của khối đời để đấu tranh giành độc lập, tự do.
3. Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ được thể hiện như thế nào ở khổ cuối bài thơ?
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ.
- Chú ý khai thác hiệu quả của điệp từ “là” (khẳng định mối quan hệ giữa cá nhân (Tôi) với mọi người quan nhà, bạn kiếp, ban đầu...); các từ: con, em, anh (chỉ tình cảm gia đình thân thiết).
Tố Hữu không chỉ đến với quần chúng lao khổ mà còn xem mình là một thành viên của đại gia đình ấy.
- Từ ngữ gợi cảm: kiếp phôi pha (những người đau khổ bất hạnh, dãi dầu mưa nắng để kiếm sống); “cù bất cù bơ” (không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng).
Những người dưới đáy cùng của xã hội - không chỉ thương xót họ mà Tố Hữu còn vì họ mà hăng say hoạt động cách mạng - Họ chính là đối tượng của hàng loạt bài thơ Tố Hữu sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám.
- Quan điểm của Tố Hữu cũng chính là quan điểm của giai cấp vô sản:
Quyết chiến đấu nào ta liên hiệp lại
Hỡi những tù nhân khốn nạn của bần cùng
(Liên hiệp lại)
Một số nét nghệ thuật:
- Đây là một bài thơ giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc; vẫn có sức ngân vang).
- Các biện pháp tu từ gợi cảm (ẩn dụ, so sánh. điệp ngữ)
- Hình ảnh tươi sáng, rực rỡ.
III. LUYỆN TẬP
Chọn một khổ thơ mà em cho là hay nhất (trong ba khổ thơ) của bài Từ ấy, viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ về khổ thơ ấy.
Gợi ý: Các em có thể dựa vào phần trên để chọn viết đoạn văn.
Giải thích ý của nhà thơ Chế Lan Viên: Bài thơ Từ ấy có ý nghĩa mở đầu cho lẽ sống cũng như định hướng sáng tác của Tố Hữu.
Hai yếu tố làm ra một tác giả có phong cách ở bài thơ này là:
- Thi pháp: dùng thể thơ truyền thống, ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu..
- Tuyên ngôn cho lẽ sống và sáng tác: gắn bó với quần chúng lao khổ, đoàn kết đấu tranh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.