I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ BÀI THƠ
1. Tác giả: Tản Đà (1889 - 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu. (Bút danh của ông lấy tên sông Đà, núi Tản ở quê hương ông ghép lại)
- Tản Đà là con người của hai thế kỉ: sinh ra và lớn lên ở buổi giao thời (Hán học đã tàn, Tây học mới bắt đầu); học chữ Hán nhưng lại sớm chuyển sang sáng tác bằng quốc ngữ: là nhà nho nhưng lại mang tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn bay bổng...
- Thơ văn Tản Đà có thể xem như một gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại.
2 Bài thơ
- Bài Hầu Trời in trong tập Còn chơi (xuất bản năm 1921)
- Đặc điểm bài thơ:
+ Đề bài bài thơ không mới, từng được thể hiện trong nhiều sáng tác dân gian và văn học viết. Thường khi bất bình nhưng bất lực người ta mong ước thoát li để trốn tránh hiện thực. Ở bài thơ này, Tản Đà mượn cõi trời làm cõi tri âm để khẳng định tài năng phẩm giá đích thực của mình. Đó là sự mạnh dạn, táo bạo thể hiện “cái tôi” của mình, một điều hết sức mới mẻ trên thi đàn những năm 20 của thế kỉ XX.
+ Mạch thơ là mạch kể chuyện theo trình tự thời gian, trước sau, dễ theo dõi - Chuyện được hư cấu bằng sự tưởng tượng phong phú, độc đáo.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Phân tích khổ đầu
- Câu thơ tác giả đặt vấn đề cho có vẻ khách quan: Câu chuyện tôi sắp kể “chẳng biết có hay không”. Chắc chắn người nghe thì cho là bịa đặt những tác giả lại khẳng định mình ở trong trạng thái rất bình thường “Chẳng hoảng hốt, không mơ màng”, và câu chuyện có vẻ là thật:
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên...
Điệp từ “Thật” kết hợp với hàng loạt dấu cảm khẳng định độ chân thật của câu chuyện tác giả sắp kể.
- Cách vào đề gây được mối nghi vấn để gợi trí tò mò ở người đọc, tạo sự hấp dẫn, muốn được nghe câu chuyện.
2. Tác giả kể chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe.
- Thi sĩ:
+ Rất cao hứng (Đọc hết văn cần sang văn xuôi; hết vặn thuyết lí lại văn chơi)
+ Rất đắc ý nên càng đọc càng có cảm xúc, đọc càng hay (văn dài hơi tốt rán cung mây)
- Chư tiên nghe thơ rất tán thưởng, hâm mộ (chú ý sự bộc lộ đa dạng cảm xúc qua các từ: nở dạ, lè lưỡi, chau đôi mày, lắng tai đứng, ao ước, tranh nhau dặn...)
- Trời đánh giá cao và không tiếc lời tán dương (khen hay, phê “văn thật tuyệt”), nhất là đoạn thơ:
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Nghệ thuật so sánh làm nổi bật vẻ đẹp từ ngôn ngữ thơ đến chí khí, tâm hồn của thi sĩ. Mỗi dấu cảm là một sự thán phục.
* Cảm nhận về cá tính, tâm hồn thi sĩ Tản Đà qua đoạn thơ:
- Một con người có cá tính rất “ngông”: ở cõi trần thân phận nhà văn bị khinh bỉ, xem thường, văn chương “rẻ như bèo”, Tản Đà tìm đến tận Trời để khẳng định tài năng của mình.
- Một con người có ý thức về cá nhân rất cao, dám tự mình khen mình (Trời và Chư tiên tán thưởng thơ Tản Đà, đó chính là nhà thơ tự tán thưởng). Đây không phải là sự tự kiêu, thiếu khiêm tốn trong cái nhìn vốn khiêm cung của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Nhưng đây, chính là cái thật, là cá nhân ý thức được tài năng thực sự của mình (Tản Đà giống Nguyễn Công Trứ có cái “ngông” này).
- Giọng kể hào hứng, phấn chấn, tự hào
3. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực. Đó là đoạn thi sĩ Tản Đà kể cho Trời nghe về tình cảm khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn trong xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ:
- Không tấc đất cắm dùi
- Văn chương bị rẻ rúng
- Làm chẳng đủ ăn
- Bị o ép đủ chiều
Chi tiết chân thực, liệt kê hàng loạt nỗi cơ cực, tủi hổ của chính cuộc đời mình và cuộc đời của nhiều nhà văn khác. (Tản Đà là một thi sĩ nổi tiếng mà suốt đời vẫn phải sống trong cảnh nghèo. Cuối đời ông đã từng phải mở cửa hàng xem tướng số để kiểm ăn nhưng không có khách. Ông chết trong cảnh nghèo đói, nhà cửa bị chủ nợ tịch biên. Những chi tiết này giúp ta hiểu thêm tính hiện thực trong những lời Tản Đà giãi bày cùng với Trời. Không chỉ có Tản Đà nghèo khổ, thời đó Xuân Diệu cũng than thở:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ.
Nam Cao cũng vậy, khi thất nghiệp, viết văn không đủ sống, ông phải nhờ vợ con...)
4. Những cái mới và hay về nghệ thuật của bài thơ
- Thể thơ: thể thất ngôn trường thiên tự do, không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào.
- Ngôn từ: hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc.
- Cách biểu hiện cảm xúc: tự do, phóng túng.
Dưới ngòi bút của tác giả, Trời và Chư tiên không có một chút gì đạo mạo, ngược lại các đấng siêu nhiên đó cũng có cách bộc lộ cảm xúc rất ngộ nghĩnh, bình dân (lè lưỡi, chau mày, tranh nhau dặn...)
- Hư cấu, tưởng tượng sinh động
III. LUYỆN TẬP
1. Trong bài Hầu Trời, có nhiều câu thơ Tản Đà công khai nói về tài năng của mình:
- Văn dài hơi tốt ran cung mây
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay
- Văn đã giàu thay, lại lắm lối
- Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Em như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”.
Khoe tài với những người thực sự có tài không phải là hiếm. Hồ Xuân Hương khoe tài qua câu thơ:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Nguyễn Công Trứ khẳng định “Ông Hi Văn tài bộ...” nhưng có lẽ nói trắng ra cái hay, cái tuyệt của thơ văn mình như Tản Đà không phải ai cũng dám. Rõ ràng ý thức cá nhân ở nhà thơ phát triển rất cao. Tạo ra tình huống “Hầu Trời”, nhà thơ đã chọn được một cách phô bày tài năng của bản thân thật độc đáo, thuyết phục. Ở hạ giới “Văn chương rẻ như bèo” không thể có tri âm tri kỉ, vậy thì khoe tài cũng chẳng ý nghĩa gì. Nhà thơ chỉ cao hứng khoe tài với Trời mà thôi. Trời đã khen chứng tỏ ông có tài thực sự. Đó là một cách tự khẳng định rất “ngông” của thi sĩ.
2. “Ngông” chỉ sự khác thường. “Ngông” trong văn chương dùng để chỉ một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thói thường có ở nhà văn, nhà thơ có ý thức cá nhân cao độ. (Trong văn chương người ta hay nhắc đến cái “ngông” của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tuân, Tản Đà...)
- Cái “Ngông” của Tản Đà trong bài thơ này biểu hiện ở những điểm:
+ Tự cho văn mình hay đến mức Trời cũng phải tán thưởng.
+ Không thấy ai đáng là tri âm với mình ngoài Trời và Chư tiên
+ Xem mình là một “trích tiên” bị “đày xuống hạ giới vì tội ngông”.
+ Nhận mình là người nhà Trời xuống hạ giới thực hành “thiên lương”, một sứ mệnh cao cả.
+ Xem các đấng siêu nhiên là tri âm, bình dân...