I. KHÁI NIỆM THÀNH NGỮ ĐIỂN CỐ

Trước khi đi vào tìm hiểu giá trị của thành ngữ và điển cố trong các bài tập, các em cần hiểu:

- Thành ngữ: là một cụm từ cố định được dùng tương đương với một ngừ chứ không phải tương đương với câu. Thành ngữ có giá trị:

+ Có tính hình tượng (đó là cách nói có hình ảnh)

+ Có tính khái quát về nghĩa (chứ không phải công nghĩa của các tiếng trong thành ngữ lại với nhau)

+ Có tính biểu cảm

+ Tính cân đối.

- Điển cố: Không có tính chất cố định về cấu tạo như thành ngữ.

Điển cố thường có hình thức ngắn gọn nhưng nội dung ý nghĩa lại rất hàm súc. Văn học trung đại thường dùng nhiều điển cố. Người lĩnh hội điển cố phải có vốn sống, vốn tri thức văn hóa, phong phú, sâu rộng.

II. GỢI Ý THỰC HÀNH

1. BÀI 1:

- Tìm thành ngữ trong đoạn thơ.

- Phân tích giá trị các thành ngữ.

• Một duyên hai nợ: Thành ngữ dân gian có nghĩa nói đến sự may rủi; Thành ngữ này đi vào bài thơ Thương vợ của Tú Xương lại có ý lấy chồng duyên chỉ một (ít) mà nợ đến hai (nhiều vất vả).

• Năm nắng mười mưa: Chỉ sự vất vả cực nhọc, chịu đựng dãi dầu nắng mưa.

• Các cụm từ “Lặn lội thân cò”, “Eo sèo mặt nước” có dáng dấp thành ngữ góp phần làm nổi bật sự tần tảo, đảm đang của bà Tú.

2. Bài 2: Phân tích giá trị các thành ngữ: (Tính hình tượng, tính biểu cảm, tính hàm súc).

- Thành ngữ “Đầu trâu mặt ngựa”: thể hiện tính chất hung hăng, thú vật, vô tổ chức của bọn sai nha đến nhà Kiều khi gia đình nàng bị vu oan (tính hình tượng, tính hàm súc) - thái độ của tác giả là căm ghét, chỉ trích (tính biểu cảm).

- Thành ngữ “Cả chậu, chim lồng” thể hiện cảnh sống tù túng, chật hẹp, mất tự do, tuy rằng bề ngoài có vẻ hào nhoáng, hoa mĩ. (Tính hình tượng, hàm súc), biểu hiện thái độ chán ghét. (biểu cảm).

- Thành ngữ “Đội trời, đạp đất” chỉ hành động và lối sống tự do, ngang tàng, không chịu khuất phục bất cứ uy quyền nào (tính hình tượng, hàm súc). Thể hiện sự ca ngợi ngưỡng mộ của Nguyễn Du đối với khí phách của Từ Hải (biểu cảm).

3. Các em đọc lại chú thích bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến để tìm hiểu ý nghĩa các điển cố.

- Giường kia: nhắc đến câu chuyện Trần Phồn đời Hậu Hán dành riêng cho bạn là Tử Trĩ một cái giường khi bạn đến chơi. Khi bạn về lại, treo giường riêng.

- Đàn kia: Nhắc đến chuyện tình bạn giữa Bá Nha và Chung Tử Kì. Chỉ có Chung Tử Kì mới hiểu được tiếng đàn của Bá Nha. Vì vậy sau khi bạn chết, Bá Nha đã đập đàn và không chơi đàn nữa.

- Cả hai điển cố này, Nguyễn Khuyến dùng để nói tình bạn, giữa mình và Dương Khuê cũng thắm thiết, tri kỉ như thế. Mất bạn, chẳng còn ai hiểu được lòng mình.

4. Dựa vào chú thích trong các văn bản trích đã học về Truyện Kiều hãy phân tích tính hàm súc, thâm thúy của điển cố trong những câu thơ trích trong bài tập.

- Ba thu: Nguyễn Du lấy ý từ câu thơ trong Kinh Thi “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không thấy mặt nhau lâu như ba mùa thu). Dùng điển cố này Nguyễn Du cho ta thấy Kim Trọng đã tương tư Thúy Kiều thì một ngày không gặp có cảm giác lâu như ba năm.

- Chín chữ: Kinh Thi nói công lao cha mẹ đối với con cái nằm trong chín chữ: sinh, cúc, phủ, súc, trường, dục, cố, phục, phúc.

Thúy Kiều nhớ “chín chữ" đó là nhớ công lao to lớn của cha mẹ đối với mình mà chưa báo đáp được.

– Liễu chương đài: Lấy từ chuyện xưa. Một người đi làm quan xa viết thư về thăm vợ có câu: “Cây liễu chương đài xưa xanh xanh, nay có còn hay không, hay là tay khác đã vin bẻ mất rồi”. Đưa điển tích này vào đoạn thơ. Nguyễn Du cho ta thấy Kiều đang hình dung ngày Kim Trọng trở lại thì Kiều đã thuộc về người khác mất rồi.

5. Thay thế thành ngữ trong những câu sau bằng các từ ngữ thông thường, tương đương về nghĩa - Nhận xét về sự khác biệt và hiệu quả của hai cách diễn đạt.

Cách nói có dùng thành ngữ

a- Này các cậu, đừng có mà ma cũ bắt nạt ma mới. Cậu ấy vừa mới chân ướt chân ráo đến, mình phải tìm cách giúp đỡ chứ.

b- Họ không đi tham quan, không đi thực tế kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường...

Cách nói thông thường

a- Này các cậu, đừng cho mình là người cũ mà bắt nạt người mới tới. Cậu ấy vừa mới đến, còn lạ lẫm mình phải tìm cách giúp đỡ chứ,

b- Họ không đi tham quan, không đi thực tế một cách qua loa, mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ...

Nhận xét: Nếu thay các từ ngữ tương đương vào các thành ngữ thì vẫn biểu hiện được phần nghĩa cơ bản nhưng mất đi tính hình tượng, mất sắc thái biểu cảm và phải diễn đạt dài dòng, không hàm súc.

6. Bài 6 và bài 7: Yêu cầu các em đặt câu với một số thành ngữ và điển cố đã cho.

- Muốn đặt câu với một thành ngữ nào các em cần phải tìm hiểu ý nghĩa, sắc thái biểu cảm của thành ngữ, phải xem đặt thành ngữ vào câu nào cho phù hợp nội dung.

Ví dụ:

• Thành ngữ “Nước đổ đầu vịt”, không có hiệu quả gì.

• Có thể đặt câu: Nói với nó như nước đổ đầu vịt.

- Muốn đặt câu với một điển cố nào các em cần tìm hiểu nguồn gốc của nó, chú ý ý nghĩa và sắc thái biểu cảm.

Ví dụ:

• Điển cố: sức trai Phù Đổng → lấy từ truyền thuyết Thánh Gióng → chỉ ý khỏe, biểu hiện sự khen ngợi.

• Có thể đặt câu: Sức của cậu ấy là sức trai Phù Đổng.