I. YÊU CẦU CỦA BÀI ÔN TẬP

Các em cần nắm được:

- Hệ thống nội dung kiến thức cơ bản của văn học Việt Nam thời trung đại đã học ở lớp 11: Văn học giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX. (Cần có sự so sánh đối chiếu để thấy điểm chung và nét riêng của văn học ở hai đoạn này so với văn học ở hai giai đoạn trước đó).

- Phương pháp đọc hiểu.

II. GỢI Ý HƯỚNG ÔN TẬP NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NỘI DUNG

1. Cảm hứng yêu nước trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX.

Những biểu hiện của nội dung yêu nước:

- Yêu quê hương, đất nước: yêu những danh lam thắng cảnh (Hương Sơn phong cảnh ca – Chu Mạnh Trinh) yêu vẻ đẹp thanh sơ của làng cảnh. (Chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến)...

- Ý thức đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi sự bảo thủ, lạc hậu (Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát)

- Ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân trong chiến đấu. (Thơ văn yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX - Tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu).

So với hai giai đoạn trước nội dung cảm hứng yêu nước trong văn học giai đoạn này có những biểu hiện mới. Nếu giai đoạn đầu yêu nước gắn với tư tưởng trung quân và lòng thương xót trăm họ thì ở giai đoạn này yêu nước gắn với trách nhiệm của người dân trước tình cảnh đất nước trì trệ, lạc hậu, đặc biệt là tình cảnh triều đình đầu hàng giặc để đất nước từng bước rơi vào tay kẻ thù.

Trong thơ văn xuất hiện tiếng nói chỉ trích triều đình:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu lắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này

(Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiểu)

Những sĩ phu từ bỏ ý thức “trung quân” mù quáng để đứng về phía nhân dân, bày tỏ lòng “ái quốc” (Phan Tòng - Trương Định).

Nếu văn thơ yêu nước giai đoạn đầu tập trung thể hiện hình ảnh tướng sĩ (Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn), sức mạnh của ba quân (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão)... thì văn học giai đoạn này lại nói nhiều đến nhân dân, những người “dân ấp, dân lân” vì nghĩa mà chiến đấu, họ trở thành anh hùng của thời đại.

2. Cảm hứng nhân đạo trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX.

Những biểu hiện của nội dung cảm hứng nhân đạo trong văn học giai đoạn này:

- Đề cao truyền thống đạo lí (Thương vợ, Khóc Dương Khuê, Lục Vân Tiên...)

- Khẳng định con người cá nhân (Bài ca ngất ngưởng...)

- Vấn đề cơ bản nhất của cảm hứng nhân đạo là sự quan tâm tới số phận con người, thương cảm trước bị kịch và đồng cảm với những khát vọng của con người, lên án tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp con người. (Các em hãy dựa vào tác phẩm như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tự tình II của Hồ Xuân Hương, và các đoạn trích Chinh phụ ngâm của dịch giả Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều để làm sáng tỏ vấn đề cơ bản trên).

Cảm hứng nhân đạo trong văn học giai đoạn này có những biểu hiện khác so với giai đoạn trước: hướng vào quyền sống của con người, ý thức về cá nhân đậm nét hơn (đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cá nhân, tự khẳng định tài năng, giá trị sống của bản thân...).

3. Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh: (Trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác) tiêu biểu cho những sáng tác viết từ “những điều trông thấy”. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, ghi chép chân thực kết hợp với sự sắc. sảo trong cách nhìn, cách nghĩ, cách bày tỏ thái độ tình cảm của mình, tác giả đã giúp người đọc nhận ra được thực trạng nơi phủ Chúa.

Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích thể hiện ở hai phương diện:

- Phản ánh chân thực cuộc sống xa hoa, lộng lẫy, hưởng lạc khác người ở nhà Chúa; sự thầm nghiêm, quyền uy tối thượng nằm trong tay nhà Chúa.

- Phê phán lối sống hưởng thụ xa hoa quá mức của những người năm giữ trọng trách quốc gia.

4. Những giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Các em xem lại bài giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã học trong chương trình để tìm hiểu kiến thức.

Lưu ý các điểm cơ bản:

- Về nội dung: thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đề cao đạo lí nhân nghĩa, (Lục Vân Tiên); nội dung yêu nước chống ngoại xâm (Ngư Tiều y thuật vấn đáp: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...)

- Về nghệ thuật:

+ Tính chất đạo đức, trữ tình.

+ Ngôn ngữ, hình tượng đậm màu sắc Nam Bộ.

III. PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỂU VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

1. Đọc hiểu văn học trung đại cần nắm được những đặc điểm về:

- Tư duy nghệ thuật: theo công thức, có sẵn.

– Quan điểm thẩm mĩ: hướng về cái cao cả, tao nhã, thích dùng điển tích, điển cố, thi liệu Hán học tạo sự sang trọng tạo nhã (nhờ cách dùng này mà Nguyễn Du tả cảnh lầu xanh không thấy dung tục).

- Bút pháp nghệ thuật: thiên về bút pháp ước lệ, tượng trưng.

GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1:

+ Chỉ ra yếu tố mang tính quy phạm trong bài Thu điều của Nguyễn Khuyện đó là hệ thống thi liệu mang tính ước lệ quen thuộc của thơ cổ (trời thu, nước thu, lá thu...).

+ Sự phá vỡ tính quy phạm trong bài Thu điếu.

• Từ ngữ nôm na (từ láy “teo teo”; vèo, vắng teo...)

• Vần “eo”.

• Hệ thống hình ảnh: Ao thu, ngõ trúc quanh co, người câu cá thoát ra khỏi hình ảnh công thức để cho ta cảm nhận đó là mùa thu thôn quê Bắc Bộ; người cầu cá đó là tác giả, nơi ao nhà câu cá, lòng mang nặng tâm sự thời thế.

Bài 2:

Các em hãy đọc lại các văn bản đã học: Truyện Lục Vân Tiên (trích), Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Bài ca ngất ngưởng, Thu điếu. Tìm và thử phân tích cái hay của những điển cố, điển tích được dùng trong các tác phẩm ấy.

2. Đọc hiểu văn học trung đại cần nắm:

- Tác phẩm thuộc thể loại nào?

- Đặc trưng cơ bản của thể loại đó?

GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1:

Tập phân tích hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp đối trong thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú qua hai câu thơ trong bài Thương vợ của Tú Xương.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo seo mặt nước buổi đò đông.

(Cần chú ý hiệu quả về ý và âm)

Bài 2:

Tìm hiểu đặc điểm thể loại văn tế qua bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

(Lưu ý: bố cục, câu văn, giọng văn).