I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM.

1. Tác giả: Hoài Thanh (1909 – 1982) xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông là nhà phê bình, nghiên cứu xuất sắc, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có nhiều đóng góp. Ông được độc giả yêu thích trong lĩnh vực phê bình thơ.

2. Tác phẩm

- Một thời đại trong thi ca: là tác phẩm phê bình văn học. Thể loại phê bình văn học đòi hỏi sự kết hợp hài hòa phẩm chất khoa học và phẩm chất nghệ thuật.

+ Phẩm chất khoa học thể hiện ở hệ thống luận điểm mới mẻ, sâu sắc, trình bày rõ ràng, chặt chẽ, có sức thuyết phục cao.

+ Phẩm chất nghệ thuật thể hiện ở cảm xúc thẩm mỹ tinh tế, hình ảnh phong phú, ngôn ngữ hàm súc, gợi cảm, lối dẫn dắt sinh động, hấp dẫn...

Hoài Thanh là một trong số ít nhà phê bình có sự kết hợp nhuần nhuyễn đó.

3. Đoạn trích

- Đây là đoạn cuối cùng của bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca.

- Nội dung đoạn trích: nói về tinh thần thơ mới.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Theo tác giả, cái khó trong việc tìm ra tinh thần của thơ mới là:

- Thơ cũ, thơ mới đều có bài hay, bài dở.

- Cái hôm nay phôi thai từ cái hôm qua, trong cái mới vẫn còn cái cũ rơi rớt lại.

* Tác giả đã nêu ra nguyên tắc nhận diện:

- Không căn cứ vào cục bộ và cái dở của thơ mỗi thời.

- Phải căn cứ vào đại thể và cái hay của mỗi thời.

2. Điều cốt lõi mà thơ mới đưa đến cho thị đàn Việt Nam lúc bấy giờ là “chữ tôi” với một quan niệm trước đó chưa từng có: quan niệm cá nhân (sự tự ý thức về bản thân, khát vọng được thành thực). Đồng thời “chữ tôi” cũng nói lên bị kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên lúc bấy giờ.

3. Vì sao tác giả nói “chữ tôi”, với cái nghĩa tuyệt đối của nó lại “đáng thương” và “tội nghiệp”?

Vì “cái tôi” đã đem đến cho tâm hồn họ nỗi buồn lạnh, bơ vơ, muốn thoát nhưng không được. Họ là những thi nhân đang sống trong cuộc đời mòn mỏi, tù túng của thân phận mất nước, lại mang trong mình “cái tôi” cô đơn, bé nhỏ nên họ thật đáng thương.

Các em đọc kĩ đoạn văn: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.

Phân tích sự tương phản giữa khát vọng thoát thân với thực tế tù túng, bế tắc để thấy bi kịch của thi sĩ lãng mạn:

Thoát lên tiên - Động tiên đã khép

Phiêu lưu trong trường tình - Tình yêu không bền

Điên cuồng - Điên cuồng rồi tỉnh

Đắm say - Say đắm vẫn bơ vơ.

4. Các nhà thơ lãng mạn cũng như “người thanh niên” bấy giờ đã giải tỏa bi kịch đời mình bằng cách gửi bi kịch ấy vào trong tiếng Việt, dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt, lấy tinh thần nòi giống, tìm về dĩ vãng để làm chỗ dựa tinh thần (chú ý điệp cấu trúc ở đoạn cuối “chưa bao giờ như bây giờ...” thể hiện giọng điệu thiết tha và bị vọng giải thoát khỏi bi kịch của thi sĩ lãng mạn).

5. Nghệ thuật của bài tiểu luận thể hiện qua đoạn trích:

- Lập luận khoa học, rõ ràng, chặt chẽ.

- Dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc, phân tích tinh tế.

- Cách dẫn dắt vấn đề tự nhiên, linh hoạt, độc đáo. Chuyển ý khéo léo tạo sự tiếp nối liên tục.

- Cách viết giàu hình ảnh, So sánh gợi nhiều liên tưởng.

- Giọng văn trong sáng, thiết tha, cảm thông thấm đượm tình người.

III. LUYỆN TẬP

1. Theo quan niệm của Hoài Thanh, chữ tôi và ta trong thơ mới và thơ cũ có gì khác nhau?

- Chữ tôi và chữ ta đều thể hiện ý thức tồn tại trong mỗi con người nhưng chúng có chỗ khác nhau:

+ Chữ tôi trong thơ mới là cá nhân tự ý thức về bản thân mình. Chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó.

+ Chữ ta trong thơ cũ là cá nhân ý thức gắn với cộng đồng, đoàn thể (lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình).

2. Lòng yêu nước của các nhà thơ mới biểu hiện ở sự thiết tha với những giá trị, sự nỗ lực sáng tạo ra những giá trị văn hóa. Các nhà thơ mới yêu tiếng Việt; qua thơ mình, họ muốn làm cho tiếng Việt giàu đẹp hơn. Lòng yêu nước của họ còn thể hiện ở sự trân trọng tinh thần giống nòi, tâm trạng những vẻ đẹp của quá khứ dân tộc.