Tiết 1

1. Căn cứ vào nhan đề và phần mở đầu đã cho hãy xác định chủ đề nghị luận của văn bản.

a) Sự thống nhất trong đa dạng của đất nước In-đô-nê-xi-a.

b) Kinh nghiệm viết nghiên cứu phê bình của Xuân Diệu.

2. Đọc văn bản Xin đừng lãng phí nước và thực hiện các yêu cầu.

a) Vấn đề và mục đích nghị luận:

- Vấn đề lãng phí nước - tài sản quý giá của đời sống.

- Kêu gọi bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm nước.

b) Các luận điểm trong bài văn:

- Nhận thức sai lầm của con người về nước (nước là thứ trời sinh có thể dùng vô tư, xả láng).

- Thực tế, nguồn nước ngọt trên trái đất là có hạn, không phải đất nước nào cũng đủ nước ngọt để dùng.

- Hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nguồn nước.

c) Tóm tắt văn bản:

Trong đời sống, nước là thứ tài sản bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất. Thực tế, nguồn nước ngọt trên trái đất là có hạn, không phải nước nào cũng đủ nước ngọt để dùng. Vì vậy, chúng ta hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nguồn nước.

Tiết 2

1. Đọc văn bản Mấy nét về Thơ mới trong cách nhìn lại hôm nay của Huy Cận. Đối chiếu với dự định tóm tắt văn bản trên của một bạn học sinh (đã nêu trong bài tập). Nêu nhận xét của bản thân: nội dung tóm tắt đó đã bao quát đúng nội dung của văn bản gốc chưa? Nên bỏ ý nào, bổ sung ý nào?

Sau đây là phần gợi ý tóm tắt:

- Thơ mới buồn, nỗi buồn thế hệ nhưng không phải tất cả đều ủy mị.

- Nhược điểm của Thơ mới là thiếu khí phách cách mạng nhưng là phong trào văn học phong phú, sáng tạo dồi dào, có nhiều yếu tố tích cực: Lòng yêu quê hương, đất nước, yêu sự sống, yêu con người, lạc quan, yêu quá khứ, yêu giống nòi, yêu tiếng Việt.

- Phong trào Thơ mới đã đóng góp nhiều về nghệ thuật thơ, đổi mới sự biểu hiện cảm xúc. Thơ mới trau dồi tiếng Việt. Ngôn ngữ Thơ mới súc tích, sắc bén, uyển chuyển mượt mà là nguồn năng lượng trữ tình cho các thế hệ thơ sau.

- Thơ mới xứng đáng, được mệnh danh là “một thời đại trong thi ca” như Hoài Thanh đã nói.

2. Đọc lại bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh và thực hiện các yêu cầu:

- Xác định chủ đề và mục đích của văn bản:

+ Chủ đề: Tinh thần Thơ mới.

+ Mục đích: Thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của bản thân tác giả về tinh thần Thơ mới, giúp độc giả hiểu đúng sự Thơ mới.

- Tìm bố cục của bài văn: 3 đoạn.

+ Từ đầu... “nhìn vào đại thể”: nêu phương pháp đi tìm tinh thần Thơ mới.

+ Từ “Cứ đại thể” đến “trong hồn người thanh niên”: Điều cốt lõi của tinh thần Thơ mới là sự xuất hiện của “cái tôi” với nghĩa tuyệt đối đồng thời nói lên “bi kịch ngấm ngầm” của thanh niên lúc bấy giờ.

+ Phần còn lại: Cách giải tỏa bi kịch của thi sĩ lãng mạn.

- Tóm tắt thành văn bản:

Muốn đi tìm tinh thần của Thơ mới thì phải nhìn vào đại thể, phải sánh bài hay với bài hay.

Xét trên đại thể, tinh thần thơ xưa ở trong chữ ta, tinh thần Thơ mới ở trong chữ tôi. Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân, chỉ có đoàn thể (Đôi khi chữ tôi xuất hiện nhưng nó ẩn mình sau chữ ta, cầu cứu đoàn thể để trốn cô đơn). Khi Thơ mới xuất hiện, nó mang theo chữ tôi với nghĩa tuyệt đối. Lúc đầu nó bỡ ngỡ nhưng dần dần được vô số người quen và được đồng cảm. Thu mình trong khuôn khổ chữ tôi, Thơ mới giãi bày cái khổ sở, cái thảm hại, cái ngẩn ngơ buồn của con người, của thời đại.

Bi kịch ấy, Thơ mới gửi vào tiếng Việt, dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Lấy tinh thần nòi giống, dĩ vãng bất diệt để hi vọng vào ngày mai.