I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả Hồ Xuân Hương

- Chưa xác định được năm sinh, năm mất.

- Sống vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

- Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học.

- Là người đa tài đa tình, phóng túng, giao thiệp với nhiều văn nhân tài tử, đi rất nhiều nơi. Đường tình duyên của Hồ Xuân Hương nhiều éo le, ngang trái (hai lần lấy chồng đều làm lẽ).

- Sáng tác của Hồ Xuân Hương bao gồm thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam (xem tiểu dẫn ở sách giáo khoa).

2. Bài thơ Tự tình

- Đề bài: Tự tình là bày tỏ lòng mình.

+ Hồ Xuân Hương có ba bài Tự tình, đây là Tự tình II.

- Thể thơ: Đường luật thất ngôn bát cú.

- Chủ đề: “Bài thơ nêu lên một nghịch đối: duyên phận muộn màng, lỡ dở trong khi thời gian cứ lạnh lùng trôi qua. Nghịch đối này dẫn đến tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất nhưng cuối cùng vẫn đọng lại nỗi xót xa. (Lã Nhâm Thìn - Phân tích - Bình giảng tác phẩm văn học 10).

II. GỢI Ý ĐỌC HIỂU BÀI THƠ

1. Hai câu thơ đầu (Hai câu đề)

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non.

- Thời gian: Đêm khuya

- Không gian: Tĩnh vắng (nghệ thuật lấy động nói tĩnh qua âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống cầm canh)

- Chủ thể trữ tình là người phụ nữ một mình trơ trọi, đơn độc trước không gian rộng lớn (nước non) giữa đêm khuya, nghe tiếng trống canh dồn dập mà xót xa cho “cái hồng nhan” bẽ bàng.

(Từ “Trơ”: trơ trọi (đảo ngữ) đi liền với “cái hồng nhan” càng xót xa bẽ bàng. Hình ảnh tương phản “Cái hồng nhan/nước non” càng làm nổi bật sự cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ.)

→ Hai câu đầu cho thấy tác giả rất cô đơn, tâm trạng buồn đau bẽ bàng.

2. Câu 3 và 4 (Hai câu thực)

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Nói thực hơn, rõ hơn hoàn cảnh, tâm trạng của nhà thơ.

- Tìm quên trong chén rượu nhưng say rồi lại tỉnh - Nỗi buồn không thể nào nguôi ngoại được. Cái vòng luẩn quẩn “say lại tỉnh”, quên rồi lại nhớ (nhớ thực tại phận hẩm duyên ôi) càng rã rời, chán chường.

- Ngắm vầng trăng thì trăng xế bóng, khuyết chưa tròn. Câu thơ là ngoại cảnh mà cũng là tâm cảnh tạo nên sự đồng nhất giữa trăng và người. Trăng sắp tàn mà vẫn chưa tròn - Tuổi xuân trôi qua mà hạnh phúc không trọn vẹn.

Hai câu thực càng gợi nỗi sầu đơn lẻ

3. Câu 5 và 6 (Hai câu luận)

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Hồ Xuân Hương tiếp tục hướng về ngoại cảnh, lấy thiên nhiên nói thay tâm trạng và thái độ của mình trước số phận.

– Rêu và đá là những vật mềm yếu, thấp bé nhưng không cam chịu, không chấp nhận thấp yếu, bằng mọi cách chúng cố vươn lên, vượt những cản trở (mặt đất, chân mây) để chứng tỏ mình.

- Đó cũng chính là niềm phẫn uất, sự phản kháng của tác giả.

- Các cụm từ “xiên ngang”, “đâm toạc” thể hiện được cá tính của Hồ Xuân Hương (bướng bỉnh, ngang ngạnh), chứa đựng trong đó sự mạnh mẽ, quyết liệt, tìm mọi cách để vượt lên số phận.

Hai câu luận cho thấy một Hồ Xuân Hương với sức sống mãnh liệt ngay cả khi đau buồn nhất.

4. Câu 7 và 8 (Hai câu kết)

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Hồ Xuân Hương trực tiếp bộc lộ tâm trạng

- Khai thác cách dùng từ của Hồ Xuân Hương:

+ Xuân: Mùa xuân, tuổi xuân

+ Ngán: Chán ngán, ngán ngẩm.

+ Hai từ “lại”: Từ “lại” thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ “lại” thứ hại nghĩa là trở lại → Trở lại quá nhanh, sợ nó quay trở lại.

→ Mùa xuân đi rồi trở lại đó là quy luật của tạo hóa. Nhưng mỗi mùa xuân qua mang theo một tuổi xuân của con người đi theo. Với những người trong cảnh “bóng xế” mà hạnh phúc “chưa tròn” như Hồ Xuân Hương thì thêm một lần xuân nỗi buồn càng lớn hơn. Tâm trạng này của Hồ Xuân Hương rất giống Chế Lan Viên trong đoạn thơ:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Đem chi xuân đến gọi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

- Câu cuối bài thơ là sự bộc bạch nỗi buồn chán của Hồ Xuân Hương. Bằng nghệ thuật dùng từ thuần Việt theo cấp độ tăng tiến tác giả cho thấy nghịch cảnh éo le. Một người đa tài, đa tình như bà mà không được đón nhận khối tình tròn đầy mà chỉ được mảnh tình nhỏ bé, ít ỏi, đã vậy còn bị san sẻ để cuối cùng còn “tí con con”. Thật xót xa tội nghiệp.

Tóm lại: Bài thơ Tự tình vừa nói lên bị kịch, vừa cho thấy bản lĩnh, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.