I. KIẾN THỨC BÀI HỌC

1. Bản chất và yêu cầu của lập luận phân tích.

- Lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ phận để xem xét rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của đối tượng.

- Yêu cầu của một lập luận, phân tích:

+ Xác định vấn đề phân tích

+ Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ

+ Khái quát, tổng hợp.

2. Cách lập luận phân tích

- Để phân tích đối tượng thành các yếu tố, cần dựa trên những tiêu chí, quan hệ nhất định (xem phần ghi nhớ trong bài học).

- Phân tích cần đi sâu vào những mặt, từng bộ phận nhưng cần lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau, cần khái quát để rút ra bản chất chung của đối tượng.

II. LUYỆN TẬP

1. Bài tập một: Yêu cầu các em từ các đoạn văn phân tích đã cho xác định các lập luận đó phân tích đối tượng dựa trên mối quan hệ nào?

a) Đoạn văn: “Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn” trong lòng Thúy Kiều... đang hoàn toàn bế tắc.

- Người viết phân tích đối tượng dựa trên mối quan hệ giữa người phân tích và đối tượng phân tích. Người viết đã cắt nghĩa và bình giá để làm rõ đối tượng.

b) Đoạn văn: “Còn gì đáng buồn hơn... dễ hư hỏng”

- Người viết phân tích đối tượng dựa trên quan hệ nguyên nhân kết quả.

c) Đoạn văn: “Còn rất nhiều câu thơ... lạnh lẽo buốt xương da”.

- Người viết phân tích đối tượng dựa trên sự liên hệ, so sánh đối tượng với các đối tượng liên quan.

2. Cho đề bài: Anh (chị) hãy phân tích giá trị nhận định của Truyện Kiều (Nguyễn Du).

* Yêu cầu:

- Xác định các yếu tố (các khía cạnh) của vấn đề phân tích.

- Viết đoạn văn thể hiện lập luận của mình (chọn một khía cạnh)

* Gợi ý:

- Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều:

+ Truyện Kiều thể hiện sự cảm thông thương xót trước nỗi đau của con người.

+ Truyện Kiều là bản cáo trạng đanh thép lên án các thế lực đen tối, tàn bạo.

+ Truyện Kiều thể hiện sự trân trọng, đề cao phẩm chất con người.

+ Nói lên ước mơ tự do, công lí, ước mơ hạnh phúc.

Đây là đoạn văn phân tích khía cạnh thứ hai của vấn đề:

Cùng với tiếng khóc đau đớn mang tinh thần nhân đạo. Truyện Kiều còn là lời tố cáo mãnh liệt thực tại đen tối của xã hội phong kiến. Vùi dập con người, chà đạp nhân phẩm con người là hàng loạt thế lực tàn bạo, từ bọn sai nha đến quan xử kiện, từ bọn chủ chứa đến “họ Hoạn danh gia”; ngay cả đến “quan tổng đốc trọng thần” vì bất tài nên phải dùng, thủ đoạn xảo trá, lật lọng để giết Từ Hải, đẩy. Kiều vào bi kịch không lối thoát phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử.

Truyện Kiều còn cho thấy tác động tiêu cực của đồng tiền đã làm tha hóa con người, khiến con người trở thành nạn nhân bị thảm. Ông quan xử kiện vì đồng tiền mà bẻ cong công lí khiến cho Thúy Kiều cần tiên cứu cha mà phải bán mình. Mã Giám Sinh, Tú Bà, vì tiền mà táng tận lương tâm “buôn thịt, bán người” vì vậy mà những người con gái thanh cao như Kiều phải sống trong vũng bùn ô nhục. Đứng về phía những người bị áp bức, bị chà đạp Nguyễn Du đã phơi bày hình ảnh các thế lực đen tối đó, đồng thời thể hiện thái độ chỉ trích rất quyết liệt.