I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả: An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về hai thể loại truyện ngắn và kịch nói.

- Ông xuất thân trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta gan-rốc, bên bờ biển A-dốp.

- Sau khi tốt nghiệp Đại học Y, Se-khốp vừa làm bác sĩ nông thôn vừa viết báo, viết văn đồng thời tham gia nhiều công việc xã hội, giáo dục, văn hóa.

- Sáng tác của Sê-khốp tập trung lên án một cách nghiêm khắc chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của những kẻ ở trong đám cường quyền lúc bấy giờ; phê phán sự bất lực của giới trí thức, đồng cảm, trân trọng người lao động nghèo; niềm tin mãnh liệt vào tương lai của nhân dân và đất nước Nga.

2. Tác phẩm

- Truyện ngắn Người trong bao được sáng tác năm 1898, trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.

- Đây là một trong 3 truyện ngắn (Khóm phúc bồn tử; Một chuyện tình yêu; Người trong bao) có chung chủ đề: phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản, lối sống của một kiểu người trí thức trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX. Từ những tác phẩm này, Se-khốp muốn nhắn gửi người đọc thông điệp: Không thể sống như thế mãi được!

- Trong tác phẩm, tác giả thuật lại cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật: bác sĩ thú y I-van I-va-nứt và thầy giáo trường phổ thông Bu-rơ kin. Từ câu chuyện của họ hiện lên chân dung nhân vật “người trong bao” và ý nghĩa của tác phẩm.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hình tượng “Người trong bao” – nhân vật Bê-li-cốp.

- Chân dung Bê-li-cốp: Điển hình cho kiểu người có thu mình vào trong một cái vỏ, một thứ “bao” có thể ngăn cách, bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng của cuộc sống bên ngoài. Chân dung Bê-li-cốp được vẽ bằng những nét kì quái nhưng rất cụ thể:

+ Lúc nào cũng đi “giày cao su”, “cầm ô” và “mặc áo bành tô ấm cốt bông” (những thứ có thể giúp hắn bao bọc, giấu mình).

+ Mọi vật dụng đều được để trong những chiếc bao: “Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao... và khi rút chiếc dao nhỏ... thì chiếc dao ấy cũng đặt trong bao. Cả bộ mặt... dường như cũng ở trong bao...”. “Hắn đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tại nhét bông và khi ngồi lên xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên”. Nghĩa là hắn không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn để thế giới bên ngoài tiếp xúc vào con người hắn. Quả là một sự thu mình tuyệt đối và đó cũng chính là “khát vọng mãnh liệt” của hắn.

+ Ngay cả ý nghĩ hắn cũng cố giấu vào bao, không bao giờ hắn có ý kiến riêng trước bất cứ vấn đề nhỏ, to nào.

- Tính cách Bê-li-cốp:

+ Nhút nhát, ghê sợ hiện tại nhưng lại ngợi ca quá khứ, ngợi ca những gì không bao giờ có thật.

+ Chỉ thích sống với những “cái rõ ràng” như thông tư, chỉ thị (cách sống giáo điều, rập khuôn như cái máy vô hồn) và cảm thấy rầu rĩ trước những chuyện vi phạm khuôn phép, trái với lẽ thường.

+ Lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi (Câu văn lặp đi lặp lại nhiều lần “nhỡ lại xảy ra chuyện gì” cho thấy hắn luôn tự suy diễn, phỏng đoán để tự tạo nên nỗi sợ hãi cho mình. Điều đó càng làm nổi bật tính cách hèn nhát, quái đản của hắn).

+ Tính cách kì quái của hắn còn thể hiện một cách sinh động trong sinh hoạt và đời sống tình cảm (buồng ngủ, quan hệ với bạn đồng nghiệp, chuyện tình yêu muộn mằn...).

+ Một con người hèn nhát, cô độc, giáo điều, luôn thu mình trong vỏ bọc nhưng lại cảm thấy hài lòng, thỏa mãn với lối sống cổ lỗ của mình. Anh ta tự nguyện, tự giác tuân thủ lối sống trong bao một cách nghiêm túc và vì vậy anh ta chẳng cảm nhận được thái độ ghê sợ, khinh ghét của mọi người đối với mình. Bê-li-cốp không hiểu cuộc sống và con người hiện tại, chỉ đắm chìm trong quá khứ, thu mình một cách cô độc “trong bao”, tự mình làm khổ mình, làm khổ mọi người.

- Lối sống của Bê-li-cốp ảnh hưởng mạnh mẽ và dai dẳng đến cuộc sống tinh thần và hoạt động của giáo viên và nhân dân thành phố.

+ Thái độ thận trọng, đa nghi khiến hắn luôn xét nét cuộc sống và hành vi của mọi người. Mọi người sợ hắn “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ.”. Hắn đã khống chế cả trường, cả thành phố suốt mười lăm năm dai dẳng.

+ Kô-va-len-cô (em trai Va-ren-ca, người Bê-li-cốp thích nhưng còn đắn đo chưa chịu ngỏ lời cầu hôn bởi hắn sợ “nhỡ lại xảy ra chuyện gì thì sao”) ghét cay ghét đắng Bê-li-cốp. Anh đã bị Bê-li-cốp chỉ trích là sống “buông thả” không có “thể thống” khi anh mặc áo thêu ra đường, đi ngoài phố còn cầm theo sách này sách nọ, lại còn cưỡi xe đạp khi chưa có chỉ thị nào cho phép. Lối giáo huấn máy móc của hắn khiến Kô-va-len-cô khó chịu dân đến gây gổ, to tiếng với hắn, đẩy hắn ngã xuống cầu thang.

+ Ngay cả khi Bê-li-cốp chết rồi ảnh hưởng của lối sống đó vẫn còn dai dẳng bởi vì hắn là điển hình cho một kiểu người, một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong cuộc sống của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX.

2. Cái chết của Bê-li-cốp bất ngờ nhưng tất yếu, hợp với tính cách hắn.

- Việc hắn bị Kô-va-len-cô đẩy ngã xuống cầu thang đã bị Va-ren-ca nhìn thấy (chẳng ra thể thống gì), Va-ren-ca còn “cười phá lên”, “cười âm vang, lảnh lót”. Điều kinh khủng nhất đối với hắn là sẽ biến thành trò cười cho thiên hạ mà trước hết là tiếng cười của Va-ren-ca. Hắn chết và hắn được nằm trong quan tài - “cái bao” bền vững nhất, đó là khát vọng mãnh liệt – kì dị cả đời Bê-li-cốp.

- Khi Bê-li-cốp còn sống mọi người sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh. Khi hắn chết mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng chưa được bao lâu cuộc sống lại diễn ra như cũ nặng nề, mệt nhọc, vô vị, tù túng...

Từ đó nhà văn muốn nói đến tác động dai dẳng, nặng nề, của kiểu người Bê-li-cốp, đã ám ảnh đầu độc bầu không khí trong sạch, lành mạnh kìm hãm sự tiến bộ của xã hội nước Nga đương thời. Nhà văn muốn thức tỉnh mọi người “không thể sống như thế mãi được”.

3. Ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật của hình ảnh “cái bao”

“Cái bao” là một sáng tạo độc đáo của tác giả. Kiểu người trong bao, lối sống trong bao, đó là sự tự thu mình trong lối sống hèn nhát, cá nhân, ích kỉ tầm thường.

- Thư đề tư tưởng của tác phẩm:

+ Lên án, phê phán lối sống trong bao.

+ Kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cách sống: sống tự nhiên lành mạnh, trong sáng, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

4. Những đặc sắc về nghệ thuật:

- Ngôi kể: Nhân vật trong truyện đồng thời là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (Pu-rơ-kin). Tác giả giữ ngôi thứ ba kể lại câu chuyện của Pu-rơ-kin. Tăng tính chân thật, khách quan cho câu chuyện.

- Giọng kể trầm tĩnh, bình thản, khách quan nhưng bên trong đầy trăn trở, bức xúc.

- Xây dựng nhân vật vừa cụ thể vừa khái quát, tính cách nhân vật kì quái mà vẫn chân thực.

- Hình ảnh “cái bao”, câu nói lặp đi lặp lại của nhân vật “Nhỡ lại xảy ra việc gì thì sao”. Có giá trị nghệ thuật cao.

5. Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa thời sự của truyện Người trong bao.

- Lối sống trong bao vẫn tồn tại trong xã hội ngày nay, trong học đường (ở một số cá nhân): hèn nhát, ích kỉ, giáo điều, hèn hạ trước quyền lực

- Các em cần bày tỏ thái độ, tình cảm.

+ Phê phán, chỉ trích, không đồng tình với lối sống đó.

+ Xác định lối sống lành mạnh, chan hòa với mọi người, sống theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cộng đồng hiện đại.