Bài học này có 2 tiết, một tiết lí thuyết, 1 tiết luyện tập

I. NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN CỦA BÀI HỌC

1. Ngôn ngữ là tài sản chung của xã hội: đó là phương tiện giao tiếp quan trọng của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ lại tồn tại trong mỗi cá nhân, do mỗi cá nhân lưu giữ và sử dụng. Vì vậy muốn giao tiếp có hiệu quả mỗi cá nhân đều phải biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng, lại vừa biết tạo sắc thái riêng của ngôn ngữ và cá nhân để tăng sự hấp dẫn.

2. Cái chung trong ngôn ngữ mỗi người bao gồm:

- Các đơn vị yếu tố ngôn ngữ chung (có sẵn) như: âm thanh, âm tiết, từ ngữ cố định.

- Các quy tắc, phương thức chung:

+ Quy tắc cấu tạo từ, ngữ, câu phong cách chức năng.

+ Phương thức chuyển nghĩa từ.

3. Cái riêng trong lời nói cá nhân:

- Giọng nói cá nhân

- Vốn từ ngữ cá nhân

- Sự chuyển đổi sáng tạo khi sử dụng từ ngữ chung

- Tạo ra từ mới

4. Quan hệ giữa ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

- Ngôn ngữ chung là cơ sở để sản sinh lời nói cá nhân và là cơ sở để lĩnh hội lời nói của cá nhân.

- Lời nói cá nhân là thực tế sinh động, hiện thực hóa những tính chung của ngôn ngữ cộng đồng.

II. LUYỆN TẬP

1. Từ “xuân” trong những câu thơ sau đây được dùng theo sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ như thế nào?

- Câu thơ trong bài Tự tình của Hồ Xuân Hương:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại.

Từ “xuân” có thể có hai nghĩa:

+ Nghĩa gốc: chỉ mùa xuân của thiên nhiên.

+ Nghĩa chuyển: tuổi xuân, tuổi trẻ (đầy khát vọng)

- Câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.

Từ “xuân” có hai lần được dùng với nghĩa chuyển:

+ Cành xuân: chỉ cành cây non tơ, xanh tươi, đầy sức sống.

+ Cành xuân: chỉ người con gái trẻ tuổi, chưa lấy chồng.

- Câu thơ trong bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến:

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Từ “xuân” dùng với hai lần chuyển nghĩa:

+ Bầu xuân: bầu rượu tràn đầy hương xuân.

+ Bầu xuân: bầu tâm sự đầy ắp khát vọng của tuổi trẻ

(Lúc đó cả hai người mới đỗ đạt, ra làm quan, còn trẻ tuổi, nhiều hoài bão)

- Câu thơ của Hồ Chí Minh:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Từ “xuân” được dùng theo hai nghĩa

+ Nghĩa gốc: chỉ mùa xuân của thiên nhiên

+ Nghĩa chuyển: sức trẻ, sức sống dạt dào cường tráng của đất nước.

Tất cả đều được nói theo phong cách nghệ thuật nên nghĩa cần cảm thụ đối với từ “xuân” ở các câu thơ trên phải là nghĩa chuyển.

2. Nhận xét cách sắp đặt thứ tự của các từ trong hai câu thơ sau để thấy nét đặc sắc riêng của tác giả Hồ Xuân Hương:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

- Đổi trật tự của các cụm từ:

+ đá mấy hòn → mấy hòn đá

+ rêu từng đám → từng đám rêu

- Đổi trật tự của các thành phần câu (vị ngữ đứng trước chủ ngữ)

+ Xiên ngang mặt đất rêu từng đám (Từng đám rêu xiên ngang mặt đất)

+ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn (Mấy hòn đá đâm toạc chân mây)

Hiệu quả của thủ pháp đảo ở hai câu thơ góp phần làm nổi bật sự cố gắng vượt lên số phận của rêu, đá của chính nhà thơ.

3. Dựa vào kiểu từ láy quen thuộc của ngôn ngữ chung, lí giải ý nghĩa của các từ láy được tác giả tạo ra trong các câu:

a) Nhưng ngẫm nghĩ một chút, họ sẽ thấy những vật mộn mằn nhất chứa cả một sự thông tin sâu sắc. (Báo Quân đội nhân dân, ngày 2 - 7 - 1995)

- Từ láy “mọn mằn” được cá nhân tạo ra dựa vào quy tắc cấu tạo từ láy của ngôn ngữ chung:

+ Từ láy có 2 tiếng, lặp phụ âm đầu (m)

+ Tiếng gốc “mọn” đặt trước, tiếng láy (mằn) đặt sau.

- Nghĩa của từ láy “mọn mằn”:

+ Mọn: nhỏ đến mức không đáng kể.

+ Mọn mằn: nhỏ nhặt, tầm thường, không đáng kể.

b) Gái miệt vườn giỏi gián, làm trăm công ngàn việc không biết mệt. (Minh Tuyền)

- Từ láy “giỏi giắn” cũng được tạo theo quy tắc láy phụ âm đầu ở trên (các em tập phân tích như bài tập trên)

- Nghĩa từ “giỏi giắn”: rất giỏi (sắc thái biểu cảm: sự mến mộ, thiện cảm).

c) Bà đứng chân trên chân dưới một cái bục gỗ ở góc gian hàng, một tay cầm micrô, tay kia đỡ dây điệu đàng như ca sĩ. (Phan Thị Vàng Anh)

- Từ láy “điệu đàng” được tạo theo quy tắc láy phụ âm đầu.

- Nghĩa từ “điệu đàng”: làm dáng, làm điệu thành thạo, tự nhiên như ca sĩ khi biểu diễn.