I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ BÀI THƠ

1. Tác giả Xuân Diệu (1916 - 1985)

- Các em tóm tắt những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu trong phần Tiểu dẫn.

- Lưu ý thêm một vài điểm trong cuộc đời Xuân Diệu để hiểu con người và hồn thơ, tài năng thơ của ông:

+ Cha là thầy đồ xứ Nghệ Xuân Diệu tiếp nhận được từ người cha đức tính cần cù, kiên nhẫn, say mê trong học tập và rèn luyện tài năng.

+ Quê mẹ ở vùng biển Quy Nhơn với những ngọn gió nồm, những con sóng biển tạo nên hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của Xuân Diệu.

+ Tuổi thơ sớm xa mẹ, thiếu thốn tình cảm nên Xuân Diệu luôn khát khao tình yêu thương. Xuất thân từ một gia đình nhà nho nên tiếp thu ảnh hưởng nền văn hóa phương Đông, bản thân Xuân Diệu lại là trí thức Tây học nên hấp thụ ảnh hưởng tư tưởng và văn hóa Pháp. Vì vậy có thể nói trong tư tưởng và tình cảm thẩm mĩ của ông có sự kết hợp hài hòa yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây.

- Sáng tác của Xuân Diệu thuộc nhiều lĩnh vực nhưng tiêu biểu là thơ. Xuân Diệu là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Xuân Diệu thể hiện hai tâm trạng tiêu biểu: Xuân Diệu rất yêu đời, thiết tha với cuộc sống trần thế nhưng vẫn không tránh khỏi sự hoài nghi, băn khoăn trước cuộc đời thực lúc bấy giờ. Hai tâm trạng này có mối quan hệ nhân quả với nhau.

- Xuân Diệu được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

2. Bài thơ Vội vàng

- Xuất xứ: Bài thơ Vội vàng được rút ra từ tập Thơ thơ là tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, tập thơ nâng tên tuổi Xuân Diệu lên hàng nhà thơ mới nhất tiêu biểu nhất, trong làng Thơ mới Việt Nam.

- Bài thơ tiêu biểu cho:

+ Sự bùng nổ mãnh liệt của “cái tôi” trong Thơ mới.

+ Hồn thơ “tha thiết, rạo rực, băn khoăn” của Xuân Diệu.

+ Những nét độc đáo mới lạ trong nghệ thuật thơ Xuân Diệu.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Cả bài thơ là một dòng cảm xúc hối hả, tuôn trào nhưng vẫn tuân theo một bố cục khá rõ ràng, chặt chẽ. Bài thơ có thể chia làm bốn đoạn:

- 4 câu đầu: Khát khao lưu giữ hương sắc mùa xuân.

- Câu 5 - 13: Vui thích, say mê trước cảnh sắc mùa xuân.

- Câu 14 - 29: Băn khoăn trước giới hạn của cuộc đời.

- Đoạn còn lại: Hối hả, cuồng nhiệt đến với cuộc sống.

2. Khát khao lưu giữ hương sắc mùa xuân

- “Tắt nắng”, “buộc gió” là quyền uy của Tạo Hóa. Cho dù Xuân Diệu là thi sĩ thì ông vẫn là con người làm sao có được khả năng vô hình đó. Chỉ vì quá yêu cuộc sống nên mới ước ao và nảy sinh ý tưởng táo bạo. Muốn níu giữ sắc hương, níu giữ mùa xuân cũng có nghĩa là muốn níu giữ thời gian cùng với vẻ đẹp cuộc sống cho mình, cho mọi người. Cách biểu đạt mới lạ, độc đáo.

- Bốn dòng thơ, mỗi dòng nằm chữ, ngắn, gấp. Nhịp thơ góp phần diễn tả sự khẩn trương muốn ngăn không cho màu nhạt, hương bay. Điệp kiểu câu “Tôi muốn... cho” càng làm nổi bật khát khao lưu giữ được sắc hương cuộc đời để mãi được cùng sống với nó.

3. Bức tranh mùa xuân ở độ “thời tươi” qua cảm nhận của một tâm hồn đang ở “thời trẻ”:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

- Hình ảnh thơ tập trung làm nổi bật vẻ tinh khôi, thanh tân, nõn nà, rực rỡ của mùa xuân (Muôn sắc hoa tươi thắm trên nền “xanh rì” đầy sức sống của đồng nội; cành tơ, lộc non mơn mởn, mượt mà...)

- Cảnh xuân không chỉ đẹp mà còn gợi tình (ong bướm “tuần tháng mật”, yến anh ca “khúc tình si”...)

- Cảnh sắc vốn quen thuộc nhưng bằng lối cảm nhận riêng, mới lạ, Xuân Diệu đã thổi vào thiên nhiên một tình yêu rạo rực khiến những hình ảnh vô tri bông sống dậy tràn ngập xuân tình. Câu thơ “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” mang dấu ấn thơ Xuân Diệu rất rõ. Trước hết là cách dùng từ chuyển đổi cảm giác rất quen thuộc của Xuân Diệu. Thi sĩ không thưởng thức mùa xuân bằng giác quan thông thường (nhìn, ngăm, lắng nghe) mà ông đang say sưa nhấm nháp hương y nó, cảm nhận được độ “ngon” mà mùa xuân đang dâng hiến. Mặt khác, ta còn thấy ở câu thơ một cách hưởng thụ thiên nhiên rất Xuân Diệu. Mùa xuân hấp dẫn, quyến rũ như “cặp mồi” giai nhân. Thi sĩ thưởng. thức mùa xuân mà như đang thưởng thức hương vị ái tình. Quả là một cách ví von so sánh mới mẻ, táo bạo góp phần làm nổi bật niềm say mê cái đẹp trần thế đáng quý ở tác giả.

- Điệp ngữ “Này đây...” cùng với hàng loạt những hình ảnh, sắc màu, âm thanh, Xuân Diệu đã liệt kê vẻ đẹp muôn màu của xuân, bày sẵn quanh ta, chẳng cần phải tìm kiếm. Chỉ cần có tâm hồn yêu thiết tha cuộc sống thì tha hồ nhìn ngắm, thưởng thức.

→ Đoạn thơ này là tiêu điểm góp phần lí giải các trạng thái cảm xúc của tác giả ở bốn câu đầu và những câu thơ tiếp theo.

4. Đoạn 3 thể hiện cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu

- Người xưa quan niệm thời gian tuần hoàn, đi rồi trở lại như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vì vậy họ thường ung dung, đủng đỉnh. Ở bài thơ này Xuân Diệu quan niệm thời gian tuyến tính. Thời gian được cảm nhận theo thước đo giá trị sống của con người. Mỗi khoảnh khắc trôi qua mang theo một sự mất mát:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Có thể xuân vẫn tuần hoàn nhưng mỗi lần nó “đang qua”, “sẽ già” là một lần mang theo nhiều cái đẹp đi mất.

- Nếu xuân là độ viên mãn nhất của thiên nhiên thì tuổi trẻ là độ căng tràn nhựa sống của một cuộc đời. Xuân tuần hoàn nhưng tuổi trẻ - mùa xuân của cuộc đời, chẳng có hai lần. Thời gian, sẽ mang theo tuổi xuân của con người đi qua và vì vậy mà thi sĩ càng buồn hơn khi:

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Cách cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu xuất phát từ ý thức sâu xa về giá trị sống của mỗi cá thể. Mỗi khoảnh khắc trong đời đều vô cùng quý giá bởi vì khi đã trôi qua là mất vĩnh viễn. Vì vậy con người phải biết quý từng giây phút của cuộc đời, phải sống có ý nghĩa. Đây là lí do nhà thơ sống vội vàng, cuống quýt trước sự trôi qua nhanh của thời gian.

5. Hối hả, cuồng nhiệt đến với cuộc sống: (Đoạn cuối bài thơ)

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Xuân Diệu tả cảnh sắc mùa xuân về với thời non tươi của nó để tận hưởng. Hàng loạt hình ảnh tiếp tục làm nổi bật vẻ quyến rũ của sự sống đầy sắc hương nhưng không phải để tả xuân mà chủ yếu để diễn tả sự cuồng nhiệt, vội vàng tận hưởng của tác giả.

- Hàng loạt động từ tăng dần mức độ sự vồ vập, đắm say: ôm, riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy, no nê, cắn.

- Thủ pháp điệp được sử dụng đa dạng: Điệp cú pháp: điệp từ, ngữ; điệp cảm xúc theo lối tăng tiến (Ta muốn ôm, Ta muốn riết, ... Ta muốn cắn), trạng thái tăng tiến (cho chếnh choáng, cho đã đầy, cho no nê,..)

→ Nét độc đáo về nghệ thuật của đoạn thơ đó là những làn sóng ngôn từ đan xen, cộng hưởng theo chiều tăng tiến đã diễn tả rất thành công khao khát mãnh liệt của tác giả.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Xuân Diệu đặt tên bài thơ là Vội vàng, bởi lẽ: Xuân Diệu yêu tha thiết cuộc sống, cuộc sống quanh ta rất đẹp nhưng tuổi trẻ qua nhanh, đời người ngắn ngủi, thời gian không chờ đợi. Phải khẩn trương, hối hả đến với cuộc sống để tận hưởng vẻ đẹp của đời.

2. Quan điểm nhân sinh của Xuân Diệu được thể hiện qua bài thơ có mặt tích cực: Yêu mùa xuân và tuổi trẻ - những cái đẹp nhất của cuộc sống, hãy sống hết mình sao cho mỗi khoảnh khắc của đời mình có ý nghĩa. Đó là quan niệm sống tích cực, có giá trị nhân văn sâu sắc.