I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1. Tác giả Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859)
- Xuất thân trong gia đình nho học
- Ông cần cù, say mê học hành, thi cử lận đận nhưng cuối cùng thi đỗ giải nguyên, làm quan dưới triều Nguyễn.
- Ông là người tài năng, nhiệt huyết ở nhiều lĩnh vực.
- Là người yêu nước, thương dân
- Sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, thể loại ông ưa thích là hát nói.
2 Bài thơ
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được làm sau năm 1948 là năm ông đã cáo quan về hưu (lúc đó ông đã ngoài bảy mươi tuổi)
- Thể thơ: Bài thơ làm theo thể hát nói (Hát nói là một điệu của ca trù)
- Đề tài, cảm hứng sáng tác:
+ Lời tự thuật độc đáo về một cái tôi ngông nghênh, khinh đời ngạo thế, sự đối lập giữa một bậc tài danh có phẩm cách nhà nho chân chính với một tầng lớp phong kiến bất tài.
- Bố cục: Có thể chia bài thơ thành ba phần
+ 6 câu đầu: Ngất ngưởng chốn quan trường
+ 10 câu tiếp: Ngất ngưởng khi nghỉ hưu
+ 3 câu cuối: Ngất ngưởng giữa đám quan lại đương triều.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Trong Bài ca ngất ngưởng, từ “ngất ngưởng” xuất hiện bốn lần (không kể 1 lần ở tiêu đề bài thơ).
- Ba lần dùng từ “ngất ngưởng” kết thúc cho ba hình ảnh
+ “Ngất ngưởng” khi còn làm quan (ông hơn người ở chỗ đa tài)
+ “Ngất ngưởng” trong ngày giã từ kinh kì về quê nghỉ hưu (ông hơn người ở chỗ không chịu gò mình vào những nghi thức giả tạo).
+ “Ngất ngưởng” trong những ngày sống cuộc sống của một quan hưu (ông hơn người ở chỗ dám vượt ra khỏi những định kiến khắt khe để hưởng thụ những thú vui của cuộc sống).
- Từ “ngất ngưởng” ở câu kết thúc bài thơ khẳng định ông khác hẳn đám quan lại đương thời từ tài năng đến phấm cách, nhất là vạn đạo vua tôi. Đó chính là những điểm tạo nên cái tôi ngạo nghễ, ngông nghênh.
2. Nguyễn Công Trứ biết rằng làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan vì đó là phương tiện để ông thể hiện tài năng và hoài bão của mình, nhất là để trọn “nghĩa vua tôi” (Lí tưởng của trượng phu là “Trí quân, trạch dân, bình thiên hạ". Dưới thời phong kiến chỉ có làm quan mới thực hiện được lí tưởng đó mà thôi).
3. Trong bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình. Vì sao ông cho mình là ngất ngưởng?
- Thực chất ông là người có tài (thăng quan nhanh, tài thao lược...) đó là điều đáng tự hào. Nhưng tự hào hơn ở chỗ ông làm quan không vì danh lợi, không nhằm lập công đức để lại tiếng thơm cho đời mà làm quan để giúp vua giúp dân để thỏa nguyện chí làm trai:
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
- Ông là người có đức độ, trọn “nghĩa vua tôi” khác hẳn đám quan lại tham quyền cố vị, hữu danh vô thực lúc bấy giờ.
- Ông còn cho mình là ngất ngưởng bởi vì ông có quan niệm sống khác người: không quan tâm tới chuyện được mất, bỏ ngoài tai chuyện khen chê của người đời.
Tóm lại: Nguyễn Công Trứ muốn thể hiện triết lí sống qua lời tự thuật: “Ngất ngưởng” là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, không uốn mình theo dư luận, nhưng phải là người có tài, có phẩm cách mới có được phong cách hơn người đó.