I. NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Nắm vững:

- Khái niệm lập luận, so sánh. .

- Các kiểu so sánh tương đồng, tương phản (xem phần ghi nhớ)

2. Luyện tập: Viết đoạn văn so sánh (tương đồng, tương phản)

Cần:

- Tìm ra mối liên quan (tương đồng hay tương phản giữa các đối tượng đưa ra so sánh).

- Cân nhắc suy nghĩ kĩ, rút ra kết luận xác đáng, thích hợp.

II. GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Đoạn văn:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên, mỗi bên xưng đến một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có.

- Đoạn văn có dùng thao tác so sánh tương đồng và tương phản, trên các mặt:

+ Nước Đại Việt khác phong kiến Trung Quốc về:

• Nền văn hiến (lâu đời).

• Phong tục:

+ Nước Đại Việt và Trung Quốc giống nhau:

• Đều có các triều đại song song tồn tại.

• Có hào kiệt.

- Từ sự so sánh có thể rút ra kết luận: Nước Đại Việt là quốc gia độc lập, có chủ quyền, bình đẳng ngang hàng với phong kiến Trung Quốc.

- So sánh làm cho lập luận sáng rõ, cụ thể, có sức thuyết phục cao.

2. Viết các đoạn so sánh tương đồng:

a. Đề bài cho hai bài thơ tứ tuyệt: Trở lại An Nhơn (Chế Lan Viên) và Ngẫu nhiên biết nhân buổi về quê (Hạ Tri Chương).

– Muốn viết được đoạn văn so sánh cần thấy nét tương đồng ở bài thơ đó là: Cảm xúc trước sự thay đổi của quê hương.

- Phân tích biểu hiện đó ở hai bài thơ, rút ra kết luận thích hợp.

b. Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả.

- Xác định được nét tương đồng: Học cũng như trồng cây đều có ích lợi.

- Xuất phát từ lợi ích của trồng cây (mùa xuân được hoa, mùa thu được quả) để thấy ích lợi của việc học (cho ta kiến thức để giúp đời, nuôi sống bản thân, gia đình...) → Phân tích để rút ra kết luận: Học rất có ích lợi.

c. Tác giả như thế nào, sách như thế ấy

- Xác định được nét tương đồng: Tư tưởng, diễn cảm, văn phong của tác giả trong đời sống để lại dấu ấn ở tác phẩm của họ (Bởi vì tác phẩm là con đẻ tinh thần của nhà văn).

- Phân tích biểu hiện đó và rút ra kết luận.

3. Viết đoạn văn so sánh tương phản

a. So sánh ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương qua bài Tự tình 1 và ngôn ngữ thơ Bà Huyện Thanh Quan qua bài Chiều hôm nhớ nhà.

Thấy điểm khác:

+ Thơ Hồ Xuân Hương:

• Dùng nhiều từ thuần Việt.

• Cách nói nôm na bình dị của dân gian.

+ Thơ Bà Huyện Thanh Quan:

• Nhiều từ Hán Việt, nhiều điển cố

• Cách nói sang trọng, bác học.

- Dựa vào điểm khác đó để phân tích, rút ra kết luận phù hợp.

b. Tự chọn đề tài để viết một đoạn văn so sánh tương phản.

- Gợi ý: Có thể chọn đề tài từ đời sống hoặc trong văn học.

- Tìm nét tương phản (nét khác) giữa các đối tượng đưa ra so sánh.

- Phân tích, rút ra kết luận.