Câu 1. Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, kể lại từng đoạn câu chuyện.
- Tranh 1: Danh y Tuệ Tĩnh dẫn các học trò lên hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu để nói điều mà ông đã suy ngẫm, nung nấu suốt mấy chục năm qua về giá trị to lớn của lá cây, ngọn cỏ nước Nam.

- Tranh 2: Tuệ Tĩnh kể lại câu chuyện ngày xưa, khi giặc Nguyên xâm lược nước ta, vua quan nhà Trần chăm lo luyện tập võ nghệ, chuẩn bị chiến đấu bảo vệ bờ cõi.

- Tranh 3: Có một điều làm cho vua quan nhà Trần lo lắng là từ lâu, nhà Nguyên đã cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người Nam. Khi giáp trận, tất có người bị thương và đau ốm, biết lấy gì cứu chữa?

- Tranh 4: Quân dân nhà Trần chuẩn bị thuốc men cho cuộc chiến đấu. Các thái y tỏa đi mọi miền quê học cách chữa bệnh trong dân gian. Vườn thuốc Nam mọc lên ở khắp nơi. Người thồ cây cỏ, người bào chế thuốc...

- Tranh 5: Cây cỏ nước Nam đã giúp chữa bệnh cho binh lính, góp phần làm cho những đạo quân của ta thêm hùng hậu, bền bỉ, khoẻ mạnh, can trường trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù mạnh hơn mình hàng chục lần, đông hơn mình hàng trăm lần...

- Tranh 6: Tuệ Tĩnh nói với học trò ý nguyện của ông là nối gót người xưa, dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam.

Câu 2. Kể lại toàn bộ câu chuyện.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

CÂY CỎ NƯỚC NAM

Cách đây vài thế kỉ, có một nhà Nho tên là Nguyễn Bá Tĩnh, thường gọi là Tuệ Tĩnh, tuy đỗ Tiến sĩ đệ nhị bảng nhưng không ra làm quan cho triều đình mà chỉ quan tâm đến việc chữa bệnh cho dân chúng. Một lần, ông dẫn học trò ra tận Phả Lại, trèo ngược lên hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu sừng sững, uy nghi, đối mặt với một vùng sông nước hiểm trở của vùng Đông Bắc nước ta. Dọc đường lên núi, những bụi sâm nam lá xoè như bàn tay, những bụi đinh lăng xanh mướt, những bụi cam thảo nam dây leo vướng vít.

Dừng chân bên sườn núi, ông trầm ngâm nói:

- Ta đưa các con đến đây là để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.

Đám học trò xì xào bàn tán, chắc là có điều gì cao siêu lắm nên thầy mới phải nung nấu lâu đến thế! Nghe vậy, Tuệ Tĩnh lắc đầu, mỉm cười bảo rằng:

- Điều ta sắp nói với các con không cao như núi Thái Sơn, cũng chẳng xa như biển Bắc Hải mà ở ngay tầm tay, ở dưới chân các con đó!

Mọi người im lặng đưa mắt tìm kiếm. Anh trưởng tràng mạnh dạn hỏi: “Thưa thầy! Điều thầy định nói với chúng con có phải là cây cỏ dưới chân không ạ?”. Tuệ Tĩnh gật đầu: “Phải! Ta muốn nói về cây cỏ mà hằng ngày, các con vẫn giẫm lên. Chúng chính là đội quân hùng mạnh góp sức với các đạo binh của những bậc thánh nhân như Hưng Đạo Vương đánh tan giặc Nguyên xâm lược”.

Rồi ông từ tốn kể về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của vua tôi nhà Trần. Biết chúng muốn cướp nước ta, triều đình đã lo việc trấn giữ bờ cõi rất cẩn trọng. Bên cạnh việc luyện tập dân binh, triều đình còn đôn đốc việc rèn vũ khí, chuẩn bị voi ngựa, lương thực, thuốc men... Bởi vì vua Trần biết nhà Nguyên đã cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người phương Nam. Chiến tranh xảy ra, tất có người đau ốm, thương tật, ta biết lấy gì cứu chữa? Nhà vua nhanh chóng phái các thái y toả đi khắp các miền quê học cách chữa bệnh trong dân gian bằng cây cỏ bình thường sẵn có.

Từ đó, vườn thuốc được trồng khắp nơi. Hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu là hai vườn cây thuốc lớn nhất của các vua Trần. Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho những đạo binh thêm khoẻ mạnh, hùng hậu trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Kể đến đây, Tuệ Tĩnh xúc động nói thêm:

- Ta càng nghĩ càng thêm quý từng gốc cây, ngọn cỏ của non sông gấm vóc do tổ tiên để lại. Ta định nối gót người xưa để về sau dân ta có thể dùng thuốc Nam chữa cho người Nam. Ta nói mong các con hiểu tâm nguyện của ta.

Từ đó, các học trò của ông đều tình nguyện một lòng đi theo con đường của người thầy tài ba, đức độ. Cho đến nay, hàng trăm vị thuốc được lấy từ cây cỏ nước Nam, tổng hợp thành hàng ngàn bài thuốc dân gian dùng để trị bệnh cứu người rất hữu hiệu. Cùng với Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh được tôn vinh là bậc lương y tài giỏi nhất nước ta thời trước.

Câu 3. Trao đổi với các bạn trong lớp về ý nghĩa của câu chuyện.

- Câu chuyện ca ngợi danh y Tuệ Tĩnh đã biết yêu quý cây cỏ của đất nước, hiểu giá trị của chúng, biết dùng chúng làm thuốc để chữa bệnh cho nhân dân.

- Những phương thuốc vô cùng hiệu nghiệm có khi lại tìm thấy ở ngay trong những cây cỏ bình thường xung quanh ta.

- Những lá cây, ngọn cỏ thiên nhiên mang lại cho chúng ta bao điều quý giá nếu chúng ta biết sử dụng chúng.

- Hãy chịu khó quan sát, tìm tòi thế giới xung quanh, chúng ta sẽ thấy giá trị vô cùng to lớn của những loài cây cỏ tưởng như rất bình thường, nhỏ bé...