I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần đoạn trích, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Giọng đọc thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tính cách của từng nhân vật và diễn biến của câu chuyện. Phân biệt lời của từng nhân vật. Đọc đúng ngữ điệu các câu kể, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm trong bài.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: nông thôn, Nam Bộ, chõng tre, rượt bắt, quẹo, rục rịch, thằng này, đùm bọc,...

I. Tóm tắt nội dung:

Kể chuyện dì Năm, một phụ nữ nông dân dũng cảm, thông minh trong cuộc đấu trí để đánh lừa bọn tay sai của giặc, cứu cán bộ. Qua đó, chúng ta hiểu được tấm lòng yêu thương và ý thức bảo vệ của người dân Nam Bộ đối với cách mạng.

II. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Chú cán bộ gặp chuyện gì nguy hiểm?

Chú bị bọn tay sai của giặc rượt bắt, phải chạy vào nhà dì Năm để trốn.

2. Dì Năm đã nghĩ ra cách gì để cứu chú cán bộ?

Dì Năm đã đưa cho chú cán bộ một chiếc áo khác để thay, khiến bọn giặc không nhận ra người chúng đang rượt đuổi, rồi bảo chú ngồi xuống chõng và ăn cơm, làm như chú là chồng của dì.

3. Chi tiết nào trong đoạn kịch làm em thích thú nhất? Vì sao?

- Dì Năm bình tĩnh nhận chú cán bộ là chồng, khi tên cai xẵng giọng, hỏi lại: Chồng chị à?, dì vẫn khẳng định: Dạ, chồng tui. Bọn giặc doạ bắn, dì làm cho chúng lầm tưởng là dì sợ nên sẽ khai, hoá ra dì chấp nhận cái chết, chỉ xin được trối trăng, căn dặn con mấy lời, khiến chúng tẽn tò.

- Học sinh tự chọn chi tiết khác mà mình thích.

V. Thực hành - Luyện tập:

1/ Phân vai, đọc diễn cảm đoạn kịch trên. (Học sinh tự làm.)

2/ Dựa vào văn bản kịch Lòng dân, kể lại câu chuyện bằng lời của em.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Đã quá trưa, má con dì Năm đang ăn cơm thì một chú cán bộ cách mạng bị địch rượt bắt vội vã chạy vô nhà. Vốn là một gia đình cơ sở nên dì Năm hiểu ngay ra tình thế nguy hiểm. Dì đưa cho chú cán bộ chiếc áo cũ của chồng mình để thay rồi bảo chú ngồi xuống chõng giả bộ ăn cơm. Vừa lúc ấy, tên cai và tên lính xồng xộc chạy tới. Tên cai trợn mắt quát:

- Anh chị kia!

Dì Năm buông đũa, đưa mắt trấn an chú cán bộ rồi nhẹ nhàng thưa:

- Dạ, cậu kêu chi?

Tên cai hất hàm hỏi:

- Anh chị có thấy một người đàn ông mới chạy vô đây không?

Dì Năm lắc đầu bảo là không thấy. Chú cán bộ cũng sốt sắng hỏi tên cai : “Lâu mau rồi cậu?”. Tên cai bực bội gắt: “Mới tức thời đây! Thiệt hai người không thấy chớ? Rõ ràng tui thấy nó quẹo vô đây mà!”. Rồi hắn chỉ tay vào chú cán bộ : “Anh nầy là...?”. Dì Năm nhanh trí đáp: “Ảnh là chồng tui. Còn thằng nhỏ này là con tui”.

Thoáng nghi ngờ hiện lên trong mắt tên cai. Hắn hỏi lại: “Chồng chị à?”. Dì Năm nhìn thẳng vào mặt hắn, gật đầu quả quyết: “Dạ, ảnh là chồng tui...”. Bất ngờ, hắn quay sang tên lính và hét lên: “Trói con mụ này cho tao! Cứ trói đi ! Lịnh mà!”. Tên lính bè quặt hai tay dì Năm ra đằng sau. Chú cán bộ buông đũa đứng dậy: “Trời đất! Vợ tôi...”. Tên lính buông dì Năm ra, chĩa súng vào chú cán bộ, quát to: “Ngồi xuống! Rục rịch tao bắn nát đầu!”.

Bé An oà khóc, chạy lại ôm lấy má: “Má ơi! Má ơi!”. Tên cai giở giọng vừa dụ dỗ vừa đe doạ: “Nếu chị nói thiệt tôi thưởng. Bằng chị nhận anh này là chồng, tôi bắn chị tức thời, đốt luôn cái nhà này nữa!”. Dì Năm ngập ngừng: “Mấy cậu... để tui...”. Tưởng dì Năm sợ, tên cai đắc ý cười khẩy: “Có thế chớ! Nào, nói lẹ đi!”. Dì Năm đưa tay chùi nước mắt rồi nghẹn ngào nói với bé An: “An, mầy qua bà Mười... dắt con heo về..., đội luôn năm giạ lúa. Rồi... cha con ráng đùm bọc lấy nhau”. Tên cai chưng hửng, mặt hắn đỏ tía lên vì giận dữ.