BÀI LUYỆN TẬP

A. Tập làm văn.

Em hãy tả một người thân đang làm việc, ví dụ: đang nấu cơm, khâu vá, làm vườn, đọc báo, xây nhà hay học bài,.

* Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Tả một bác nông dân đang cày ruộng.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Người được tả là ai? (Bác Năm)

- Vào dịp nào? (Trong lúc đang cày ruộng.)

2. Thân bài:

* Tả bác nông dân đang cày ruộng:

+ Hình dáng:

- Tuổi ngoài 40.

- Vóc dáng thấp đậm, chân tay săn chắc, màu da nâu bóng.

- Mái tóc cắt ngắn. Khuôn mặt: vuông vức. Cặp mắt sáng...

+ Tính tình:

- Cần cù, siêng năng,...

+ Hoạt động:

- Bác mắc ách vào vai trâu, bắt đầu cày ruộng.

- Ấn sâu lưỡi cày, lật đất lên thành từng luống..

- Điều khiển trâu rất thành thạo...

- Chăm chỉ làm việc, quên cả nắng nôi, mệt nhọc.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Bác Năm cùng bao nông dân khác phải làm việc cực nhọc, vất vả để làm ra hạt gạo nuôi người.

- Em thấm thía lời dạy của ông cha: phải quý trọng công lao của người nông dân.

II. BÀI LÀM

Trời vừa hửng sáng, bác Năm đã dong trâu ra đồng. Bác muốn tranh thủ cày cho xong thửa ruộng cuối cùng để làm đất gieo mạ cho kịp vụ mùa.

Bác Năm ngoài bốn mươi tuổi, dáng người thấp đậm, chân tay săn chắc. Mỗi khi bác làm việc, những bắp thịt cuồn cuộn nổi lên dưới làn da nâu bóng. Mái tóc rễ tre cắt ngắn, khuôn mặt vuông vức. Cặp mắt to và sáng ẩn dưới đôi lông mày rậm, tạo nên vẻ cương nghị và trung thực.

Mắc ách vào vai trâu xong xuôi, tay trái cầm thừng, tay phải nắm chắc cán cày, bác Năm bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Lưỡi cày ấn sâu lật đất lên thành những luống thẳng tắp. Màu đất nâu sẫm ánh lên dưới nắng.

Dưới sự điều khiển thành thạo của bác Năm, con trâu to khoẻ cần mẫn kéo cày. Cái đầu nó hơi cúi xuống, hai vai nhô cao, bốn chân bước đều đặn, vững chãi. Thỉnh thoảng, bác Năm kêu vắt, vắt và khẽ vụt chiếc roi tre nhỏ lên mông trâu để thúc nó đi nhanh hơn. Mỗi lần tới đầu bờ, bác họ cho trâu dừng rồi quay lại cày tiếp. Bác chăm chú làm việc, quên cả cái nắng gay gắt trên đầu.

Khi đã cày được nửa ruộng, bác lên bờ nghỉ giải lao, mồ hôi tuôn ướt đẫm tấm lưng trần bóng nhẫy. Bác lấy chiếc khăn đã cũ lau mồ hôi trên mặt, rồi thong thả vấn điếu thuốc rê châm lửa hút, khoan khoái rít từng hơi dài. Gió đồng mát rượi làm cho bác cảm thấy mệt mỏi tan nhanh. Chỉ một lát sau, bác lại cùng con trâu tiếp tục cày ruộng.

Trên cánh đồng làng hôm ấy còn nhiều bác nông dân cần cù làm việc như bác Năm. Các bác đổ mồ hôi xuống luống cày để làm ra hạt lúa nuôi người. Em thấm thía lời ru của bà, của mẹ: Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

ĐỀ 2: Tả một cô (bác hoặc chú) công nhân đang quét vôi hoặc xây nhà, sơn cửa.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Người được miêu tả là ai? (Chú Nam)

- Vào dịp nào? (Trong khi xây nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ.)

2. Thân bài:

* Tả chú công nhân xây dựng:

+ Hình dáng:

- Tuổi hơn 30. Vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh.

- Nước da nâu bóng. Chân tay gân guốc.

- Gương mặt sáng sủa, chất phác. Đôi mắt đen luôn nhìn thẳng. Nụ cười thân thiện.

+ Tính tình:

- ít nói, cẩn thận, chu đáo trong công việc.

+ Hoạt động:

- Tay nghề rất cao. Xây nhanh và đẹp. Động tác khéo léo.

- Vừa làm vừa động viên, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Yêu mến những người thợ cần cù, giỏi giang như chú Nam.

- Họ là những người làm đẹp cho cuộc sống.

II. BÀI LÀM

Hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, xí nghiệp may thêu xuất khẩu của quận 3, nơi mà em làm việc, đã quyên góp tiền xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa cho bà Sáu Trầu, mẹ của hai liệt sĩ thời chống Mĩ. Trưởng tốp thợ xây là chú Nam. Giúp việc cho chú là bốn, năm anh thợ hồ.

Chủ Nam là bộ đội xuất ngũ. Tuy tuổi đời mới gần bốn mươi nhưng đã có hàng chục tuổi nghề, bởi trước khi đi nghĩa vụ, chú đã làm thợ xây được mấy năm. Bà con lối xóm quý mến chú Nam phần vì tính nết đường hoàng, phần vì trình độ tay nghề khá cao của chú.

Với dáng người cao lớn, trông chú Nam càng thêm khoẻ mạnh trong bộ đồ xanh của công nhân xây dựng. Nước da chú nâu bóng, tay chân gân guốc. Gương mặt sáng sủa, chất phác. Đôi mắt đen luôn luôn nhìn thẳng. Chú ít nói nhưng nụ cười thân thiện luôn nở trên môi.

Sáng nào, chú cũng đến nơi làm việc sớm nhất để sắp xếp công việc trong ngày. Chú nhắc nhở mấy anh chị thợ phụ chuẩn bị cát, xi măng, gạch, sắt, thép sao cho đầy đủ và thuận tiện. Chú kiểm tra kĩ lưỡng việc trộn hồ cho đúng quy cách để đảm bảo chất lượng công trình.

Chú thường nói với các bạn rằng đây không chỉ là chuyện xây nhà đơn thuần mà còn là việc đền ơn đáp nghĩa những người đã hi sinh vì Tổ quốc. Vì thế, anh chị em phải cố gắng làm cho tốt.

Cắt đặt xong xuôi, chú bắt tay vào xây. Những xô vữa đầy được đổ vào chiếc thùng gỗ đặt sát dưới chân chú. Chồng gạch đỏ tươi xếp ngay dưới chân. Tay phải chú cầm chiếc bay xúc hồ đổ lên mặt hàng gạch xây dở hôm qua, rồi chú nhanh nhẹn gạt cho đều và phẳng. Tay trái chú nhặt từng viên gạch đặt ngay ngắn lên trên, rồi chú trở cán bay, gõ nhẹ mấy cái để viên gạch dính chặt xuống lớp hồ. Từng động tác của chú đều cẩn thận và khéo léo. Đường gạch xây thẳng tắp cứ cao dần, cao dần. Nhìn chú say mê làm việc, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Vừa làm chú vừa ân cần nhắc nhở, hướng dẫn những người thợ kế bên để nay mai họ cũng sẽ có tay nghề cao như chú.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, bà Sáu Trầu sẽ được sống trong ngôi nhà vững chãi và ấm cúng. Nghĩ tới ngày ấy, em cũng thấy vui và em càng thêm yêu mến những người lao động cần cù như chú Nam và các cô chú công nhân khác. Họ âm thầm tô điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp.

ĐỀ 3: Tả một bạn đang ngồi học (hay làm một việc gì đó như cuốc đất trồng rau, trực nhật, chơi đá cầu hoặc nhảy dây...).

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Bạn được tả tên là gì? (Thanh Thảo)

- Đang làm gì? (Nhảy dây)

2. Thân bài:

* Tả bạn Thảo đang nhảy dây:

+ Ngoại hình:

- Vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Tóc tết bím, cài nơ.

- Gương mặt tròn rám nắng, rạng rỡ, xinh tươi.

- Mặc áo trắng, váy xanh...

+ Tính tình:

- Hồn nhiên, đáng yêu...

+ Hoạt động:

- Nhảy dây rất khéo léo, nhịp nhàng, nhanh thoăn thoắt.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Nhảy dây là một trò chơi có ích.

- Bạn Thảo là người vô địch.

II. BÀI LÀM

Giờ ra chơi, trong khi các bạn nam chơi đá cầu, kéo co hay đuổi bắt thì bọn con gái chúng em lại tụ tập dưới gốc cây bàng già góc sân trường chơi trò nhảy dây. Trong đám có bạn Thanh Thảo là nhảy tài hơn cả.

So với các bạn, Thảo có vóc người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn. Đôi bím tóc buộc cao sang hai bên, cài thêm những chiếc nơ vàng trông như cánh bướm. Gương mặt tròn rám, rạng rỡ nụ cười xinh tươi. Chiếc áo trắng tay phồng và chiếc váy màu xanh sẫm làm tăng thêm vẻ hồn nhiên đáng yêu của bạn.

Sau khi Tâm nhảy xong, Thảo cười bảo: “Bây giờ tới lượt mình nhảy nhé!”.

Thảo đón lấy sợi dây từ tay Tâm, nắm chắc hai đầu dây rồi bắt đầu nhảy: Một, hai, ba... mười bốn, mười lăm... hai mươi... ba mươi... Chiếc dây quay nhanh dần, nhanh dần theo nhịp nhảy. Chúng em chăm chú nhìn và đếm. Đôi bàn chân Thảo nhấc lên đặt xuống nhịp nhàng, thoăn thoắt. Không một lần vướng dây, không một lần lỗi nhịp. Đôi môi đỏ thắm, đôi mắt sáng ngời, trông Thảo thật đáng yêu! Sáu mươi... bảy mươi... tám mươi... Sợi dây vẫn quay đều, quay đều... Má Thảo hồng lên, lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười vẫn không tắt trên môi. Chúng em nín thở theo dõi. Nhịp nhảy chậm dần và Thảo dừng lại ở con số một trăm năm mươi cái.

Một tràng vỗ tay kèm theo tiếng hô động viên: “Cố lên Thảo ơi!” vang rộn cả góc sân khiến các bạn đang chơi ở chỗ khác ngoái cả lại để nhìn. Được các bạn khen, Thảo xấu hổ chạy tới giấu mặt sau lưng bạn Sương cười khúc khích.

Nhảy dây là trò chơi quen thuộc và đầy hứng thú của chúng em mà bạn Thảo luôn là người vô địch.