Câu 1. Quan sát trường em. Từ những điều đã quan sát được, lập dàn ý cho bài văn miêu tả ngôi trường.
Lưu ý:
- Có thể tả ngôi trường vào một thời điểm nhất định (một buổi sáng hay một buổi chiều, vào mùa hè hay mùa đông,...). Cũng có thể tả ngôi trường với cảnh sắc thay đổi theo thời gian (từ sáng đến chiều, từ mùa xuân tới mùa đông,...).
- Bình thường, nên tả theo trình tự quan sát từ xa đến gần, từ ngoài vào trong,... Tuy nhiên, cũng có thể tả theo thứ tự ngược lại (từ gần đến xa, từ trong ra ngoài,...).
- Ngôi trường nào cũng gắn với các hoạt động của thầy cô và học trò. Có thể tả các hoạt động này, nhưng chỉ nên tả lướt qua để không biến bài văn tả cảnh thành bài văn tả cảnh sinh hoạt.
* Tham khảo dàn ý dưới đây:
1. Mở bài:
* Giới thiệu bao quát ngôi trường (từ xa tới gần):
- Trường nằm trên một khoảng đất rộng, giữa cánh đồng.
- Nhìn từ xa, có thể thấy ngôi trường khang trang với mái ngói đỏ, tường vôi trắng và những hàng cây xanh bao quanh.
2. Thân bài:
* Tả từng bộ phận của trường:
- Từ ngoài cổng sắt nhìn vào, ta sẽ thấy một khoảng sân xi-măng thật rộng. Chính giữa sân là cột cờ, trên đỉnh cột, lá cờ đỏ tung bay phấp phới. Sân trường là nơi học sinh toàn trường tập trung chào cờ vào các sáng thứ hai và tập thể dục, vui chơi hằng ngày.
- Sân trường rộng rãi, mát mẻ bởi có những hàng cây toả bóng mát. Học sinh thường ngồi dưới bóng cây đọc truyện hoặc vui chơi.
- Ba toà nhà hai tầng xinh xắn tạo thành hình chữ U, toà nhà nào cũng quay mặt ra sân.
- Các phòng học thoáng mát, có quạt trần, đèn điện, có giá sách, giá trưng bày sản phẩm của học sinh. Từng lớp được trang trí những bức tranh màu sắc rực rỡ do học sinh sưu tầm hoặc tự vẽ.
- Sau khu lớp học là vườn trường với nhiều loại cây, loại hoa... và một khu vui chơi với cầu trượt, đu quay, đu dây... Vào giờ ra chơi, các bạn học sinh ra đây rất đông...
3. Kết bài:
- Trường học của chúng em to đẹp, hiện đại như vậy là nhờ công sức của nhân dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là ý thức giữ gìn, bảo vệ của thầy cô giáo và học sinh.
- Em yêu trường em vì ở nơi đây, em được giáo dục, rèn luyện để nên người.
Câu 2. Dựa vào dàn ý, em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng nằm trên gò đất cao và rộng ở đầu làng. Từ xa nhìn lại, ngôi trường như một bức tranh phong cảnh tuyệt vời với những sắc màu tươi sáng: màu ngói đỏ, màu tường vàng nổi bật giữa nền xanh cây lá.
Qua chiếc cổng sắt lớn là vào đến sân trường rộng rãi tráng xi măng phẳng phiu. Trước cửa phòng Ban Giám hiệu, cây cột cờ bằng thép vươn cao. Trên đỉnh, lá cờ đỏ phấp phới bay. Mỗi gốc bàng, gốc phượng đều được xây bồn gạch hình tròn xung quanh cao khoảng gang tay, quét vôi trắng xoá. Sân trường là nơi học sinh tập trung chào cờ vào tiết thứ nhất của ngày thứ hai hằng tuần, cũng là nơi chúng em tập thể dục giữa giờ theo nhịp trống và nô đùa thoải mái dưới bóng cây râm mát.
Ba dãy nhà hai tầng khang trang xếp thành hình chữ U, quay mặt ra sân trường. Tên từng lớp được ghi rõ trên tấm biển nhỏ gắn trước cửa phòng học. Trong phòng, ánh đèn nê-ông sáng dịu, quạt trần quay êm êm phục vụ cho chúng em học tập. Góc lớp là chiếc kệ trưng bày những đồ chơi, đồ dùng học tập do chính bàn tay khéo léo của chúng em làm ra. Chính giữa bức tường phía trên là ảnh Bác Hồ. Đôi mắt Bác nhìn các cháu đầy yêu thương, trìu mến.
Dãy nhà chính giữa gồm văn phòng Ban Giám hiệu, phòng họp hội đồng, phòng truyền thống và thư viện. Trên chiếc giá bằng gỗ vững chãi dựng ở đầu nhà là chiếc trống cái báo giờ vào học, giờ ra chơi... Tiếng trống giòn giã, náo nức lòng người.
Sau khu lớp học là vườn trường với nhiều loại cây, loại hoa quen thuộc của quê hương do chính tay học sinh trồng và chăm sóc. Ở giữa vườn là khu vui chơi với cầu trượt, bập bênh, đu quay, đu dây... Giờ ra chơi, chúng em thường ra đây nô đùa thoả thích.
Có được ngôi trường khang trang như vậy là nhờ công sức của nhân dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Em yêu trường em, ngôi trường gắn bó với tuổi thơ êm đẹp. Ngày ngày, dưới mái trường này, chúng em được học tập, vui chơi, được thầy cô dạy dỗ nên người.