I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, nhấn mạnh những từ ngữ miêu tả những màu vàng rất khác nhau của cảnh vật.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: quang cảnh, làng mạc, lẽ, sương sa, lúa, nắng, ngả, hoe, lắc lư, xoan, lịm, trông, chuỗi, tràng, lơ lửng, sắn, xoã xuống, nắng, lẫn, vẫy vẫy, lác đác, lạ lùng, mải miết,...

- Chú ý các từ ngữ chỉ màu sắc: vàng xuộm, vàng hoe, vàng lịm, vàng ối, vàng tươi, chín vàng, vàng xọng, vàng giòn, vàng mượt, vàng mới,...

II. Tóm tắt nội dung:

Với sự quan sát tinh tế và cách dùng từ ngữ gợi cảm, chính xác, tác giả đã vẽ lên một bức tranh làng quê ngày mùa tươi đẹp, no ấm. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu tha thiết đối với quê hương.

II. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Kể tên những sự vật trong bài có màu vàng, từ chỉ màu vàng và cho biết từ đó gợi cho em cảm giác gì?

- lúa vàng xuộm: lúa vàng xuộm là lúa đã chín đều, màu hơi sẫm lại.

- nắng vàng hoe: màu vàng nhạt tươi, ánh lên. Nắng vàng hoe là nắng ấm giữa ngày đông.

- quả xoan vàng lịm: màu vàng thẫm của quả chín già, gợi cảm giác rất ngọt.

- lá mít, lá chuối vàng ối: vàng rất đậm, đều khắp trên mặt lá.

- tàu đu đủ, lá sắn héo vàng tươi: màu vàng sáng.

- quả chuối chín vàng: màu vàng đẹp tự nhiên của quả chín cây.

- bụi mía vàng xọng: màu vàng gợi cảm giác mọng nước.

- rơm, thóc vàng giòn: màu vàng của rơm, thóc được phơi già nắng, rất khô.

- gà, chó vàng mượt: màu vàng gợi tả những con vật béo tốt, có bộ lông óng ả, mượt mà.

- mái nhà rơm vàng mới: màu vàng tươi của rơm mới gặt.

- tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm: màu vàng của sự ấm no, sung túc.

2. Những chi tiết nào về thời tiết và con người làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động?

* Câu này có thể chia thành 2 câu hỏi nhỏ như sau:

a) Những chi tiết nào về thời tiết làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động ?

- Quang cảnh: Không còn có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông.

- Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.

- Ngày không nắng, không mưa.

- Thời tiết của ngày mùa được miêu tả trong bài rất đẹp, thuận lợi cho vụ gặt hái. Con người chăm chỉ, mải miết, say mê với công việc. Những chi tiết về thời tiết làm cho bức tranh làng quê thêm hoàn hảo.

b) Những chi tiết nào về con người làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động?

... không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt ra, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

Những chi tiết về hoạt động của con người làm cho bức tranh làng quê ngày mùa là một bức tranh lao động tràn đầy sức sống.

3. Bài văn thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương?

Phải rất yêu quê hương mới viết được một bài văn tả cảnh ngày mùa trên quê hương hay như thế. Cảnh ngày mùa được tả rất đẹp thể hiện tình yêu của người viết đối với cảnh tượng đó, với quê hương.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Dựa vào bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa, em hãy viết bài văn tả cảnh làng em vào mùa thu hoạch.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Trời mới tang tảng sáng, sương vẫn còn đọng trên lá cây, ngọn cỏ nhưng đường làng đã rộn rã tiếng bước chân, tiếng cười nói của các cô bác nông dân ra đồng gặt lúa. Gia đình em thức dậy từ sớm, chuẩn bị đầy đủ và cùng hoà vào dòng người đổ ra cánh đồng làng. Anh Hai vác chiếc cộ đập lúa, ba mang liềm, hái. Em xách ấm nước, còn mẹ xách giỏ thức ăn trưa.

Mấy công ruộng nhà em nằm kề ngay bên con đường đất đỏ nối liền mấy xã. Đứng trên đường nhìn xuống, thấy đồng lúa trải ra xa tắp. Những bông lúa chín vàng, nặng trĩu uốn cong, ngả đầu về một hướng, chờ tay người gặt. Hương lúa thoang thoảng trong gió sớm mát lành.

Trên đồng đã khá đông người. Từng tốp, từng tốp dăm bảy người dân thành hàng ngang, lom khom gặt lúa. Tiếng liềm cắt lúa soàn soạt. Những con chim ngủ đêm trong ruộng lúa sợ hãi bay vụt lên. Lúa đã gặt xếp thành hàng ngay ngắn trên mặt ruộng. Những người đi sau bó lúa thành từng bó chặt chẽ và chất gọn thành từng đống cao. Anh Thi, anh Thiện con bác Sáu giăng lưới kín ba phía của chiếc cộ rồi giơ từng bó lúa lên cao, đập xuống. Tiếng lúa vàng rào rào xuống đáy cộ. Lúa đầy, các anh xúc đổ vào bao, buộc chặt rồi vác để lên bờ ruộng. Đằng xa, chiếc máy tuốt lúa nhà bác Tư Sơn đang chạy ầm ầm, phun rơm lên cao thành một đống lớn có ngọn.

Xế chiều, cánh đồng đã gặt vãn. Trên mặt ruộng, ngổn ngang gốc rạ và những đống rơm tươi. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo nhưng vẻ mặt vẫn vui tươi vì vụ lúa bội thu. Tiếng cười đùa, tiếng hò đối đáp của các anh chị thanh niên vang rộn làm tăng thêm không khí náo nức của ngày mùa. Các bạn thiếu nhi chăm chỉ phụ giúp gia đình những công việc nhỏ.

Mấy thửa ruộng nhà em cũng đã gặt xong. Ba em mượn chiếc xe bò của ông nội để chở lúa về. Ngồi cạnh ba, em chăm chú ngắm cặp bò vàng to khoẻ đang vươn cổ kéo xe. Đoàn xe bò nối đuôi nhau. Tiếng móng bò khua lộp cộp trên con đường đất đỏ đang sẫm lại trong hoàng hôn.

Trong làng, nhiều nhà đang nổi lửa nấu cơm chiều. Khói lam vờn quanh mái bếp gợi cảm giác bình yên, no ấm. Ngày mai, trên sân phơi sẽ rực lên màu vàng của lúa chín, hạt lúa do bàn tay cần cù của người nông dân làm ra để nuôi sống con người.