ĐỀ BÀI: Kể chuyện về một lần em được đi thăm cảnh đẹp ở địa phương em hoặc ở nơi khác.

Gợi ý

1. Xác định rõ cảnh đẹp mà em đã có dịp đến thăm (cánh đồng hay ngọn núi, dòng sông, hồ nước, ngôi chùa, ngọn tháp, cây cầu, lăng tẩm, công viên,...).

- Tên gọi cụ thể của cảnh đẹp đó là gì?

M: động Phong Nha

- Đó là cảnh đẹp ở địa phương em hay ở nơi khác?

2. Kể chuyện về lần đi thăm cảnh đẹp:

a) Giới thiệu: Em được đi thăm cảnh đẹp vào thời gian nào, đi cùng với ai? Đó là cảnh đẹp gì, ở đâu?

b) Kể diễn biến câu chuyện:

- Em chuẩn bị đi thăm cảnh đẹp ra sao? Dọc đường đi, em có những cảm giác gì thích thú?

- Cảnh đẹp nơi em đến có những gì nổi bật (không cần tả kĩ)? Sự việc nào xảy ra làm em thích thú hoặc gây ấn tượng khó quên?

- Cuộc đi thăm kết thúc vào lúc nào? Em có những suy nghĩ và cảm xúc gì đáng nhớ về cảnh đẹp đó?

* Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Em hãy kể về một danh lam thắng cảnh. (Ví dụ: Đèo Hải Vân.)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Hoàn cảnh cuộc đi thăm và tên danh lam thắng cảnh.

2. Thân bài:

* Kể về cảnh đẹp đèo Hải Vân:

- Đường lên đèo một bên là núi, một bên là biển.

- Đường vượt đèo ngoằn ngoèo hiểm trở.

- Cảnh non nước, trời mây hùng vĩ đẹp như một bức tranh.

- Đèo Hải Vân tạo ra sự khác biệt về thời tiết giữa hai miền Nam - Bắc.

3. Kết bài:

- Đèo Hải Vân là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.

- Ai đã qua đây một lần, chẳng thể nào quên.

II. BÀI LÀM

Năm ngoái, những học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên đã được thưởng một chuyến du lịch tham quan miền Nam.

Con tàu tốc hành đưa chúng em từ Hà Nội vào thăm thành phố mang tên Bác đang vun vút lao trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Phong cảnh hai bên đường thật tuyệt vời! Việt Nam quả là một giang sơn gấm vóc. Cô trưởng đoàn thông báo tàu chuẩn bị vượt đèo Hải Vân, đèo lớn nhất trên lộ trình Bắc Nam - một cảnh quan nổi tiếng của nước ta.

Kia rồi! Đèo Hải Vân đã hiện ra trước mắt. Dãy Trường Sơn sừng sững chắn ngang. Từ xa, chúng em đã nhìn thấy con đường ngoằn ngoèo uốn khúc như một con trăn khổng lồ vắt từ sườn núi này sang sườn núi nọ.

Đã đến chân đèo. Con tàu giảm tốc độ, ì ạch kéo các toa đầy hành khách từ từ leo dốc. Dù đã được lắp thêm một đầu máy đẩy phía sau, nó vẫn trườn đi một cách nặng nhọc. Có lúc đoàn tàu chui vào một đoạn đường hầm hun hút, tối om xuyên lòng núi. Có lúc, nó bám cheo leo vào sườn núi hiểm trở. Không gian tĩnh mịch và thoáng đãng. Thỉnh thoảng, có tiếng chim rừng lảnh lót trong nắng sớm.

Xa xa, biển Đông bao la tít tắp đến chân trời. Những chỗ biển ăn sâu vào chân núi tạo thành những vũng, những vịnh xinh xinh, nước xanh ngăn ngắt. Thỉnh thoảng hiện ra trong tầm mắt du khách những cồn cát trắng có rặng dừa xanh viền quanh làng chài ven biển. Dăm ba chiếc thuyền sau một đêm ra khơi đang từ từ về bến. Đoàn tàu lướt đi trong mây gió bồng bềnh. Khi đoàn tàu xuống đến chân đèo, ta thấy mặt biển bỗng trở nên gần gũi lạ thường. Hành khách có thể nhìn rõ từng cánh chim hải âu chao mình trên sóng rồi bay vút lên cao. Từng đợt sóng dào dạt vỗ bờ, bọt tung trắng xoá. Gió biển lồng lộng mang lại sự sảng khoái lạ thường cho du khách.

Đèo Hải Vân phân chia rõ khí hậu hai miền Bắc - Nam. Hình như mọi cơn gió lạnh, mọi trận mưa phùn đều dừng lại phía Bắc đèo. Tạo hoá sắp đặt mới khéo làm sao! Ở đây có đủ trời mây, non nước hữu tình. Đèo Hải Vân là một cảnh quan hùng vĩ hiếm có ở nước ta. Ai đã qua đây một lần, ắt không thể nào quên.

ĐỀ 2: Em hãy kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử. (Ví dụ: thăm cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Cuộc đi do ai tổ chức? Đi vào dịp nào? Thăm di tích nào?

2. Thân bài:

* Diễn biến cuộc đi thăm:

- Tả lại cảnh đẹp mà em đã đến thăm.

- Kể lại những chi tiết thú vị nhất trong chuyến đi.

3. Kết bài:

* Nêu cảm nghĩ của em về chuyến đi đó:

- Gắn bó hơn với bạn bè...

- Hiểu thêm về lịch sử và càng yêu mến quê hương, đất nước.

II. BÀI LÀM

Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc háo hức, phấn khởi và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy.

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, dãy Non Nước hiện lên thấp thoáng qua màn sương. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe danh đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ.

Hoa Lư đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một thung lũng, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tạo hoá đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, trên là núi, dưới là sông, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ.

Đến Hoa Lư hôm nay, tuy chúng em không còn được nhìn thấy những cung điện nguy nga, những thành cao hào sâu... nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời kì lịch sử oai hùng. Nào là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét, nơi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sào Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập hằng ngày. Rồi hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ lương thực của đạo quân thiện chiến ngày xưa?

Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững, mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột đền làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không xuể. Sân đền còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của nhà vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo khắc chạm hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê dũng mãnh, hình chim phượng cao quý tượng trưng cho uy quyền của vua chúa. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà thầm khâm phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thuở trước.

Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng uy nghi ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối, vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, lòng em dâng lên niềm cảm phục đối với người đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt xưa.

Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đầu đội mũ miện vàng, kiếm đeo ngang lưng trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một phụ nữ gương mặt phúc hậu, đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh - Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều có tài năng kiệt xuất, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Không đủ thời gian để leo núi nên chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu ngắm nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều người lên tiếng bình luận sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.

Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa kịp bẻ mấy bông lau làm cờ cắm trước đầu xe cho thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư, chúng em được biết thêm một cảnh đẹp và hiểu thêm về lịch sử oai hùng của dân tộc.

Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài của những cuộc trò chuyện sôi nổi trong lớp em suốt những ngày sau đó.