Câu 1. Nghe cô giáo (thầy giáo) nhận xét về bài làm của cả lớp:

- Những ưu điểm chính.

- Những thiếu sót, hạn chế.

Câu 2. Chữa bài

Đọc lại bài làm của mình và lời nhận xét của cô giáo (thầy giáo). Từ đó, tự soát lại bài và sửa lỗi về các mặt sau:

- Bài viết đã đáp ứng yêu cầu của đề bài chưa? Ví dụ: Tả em bé đang tuổi tập đi, tập nói (tả cả hình dáng, tính tình, hoạt động) hay tả một người lao động đang làm việc (chú trọng tả hoạt động).

- Trình tự miêu tả đã hợp lí chưa?

- Các chi tiết miêu tả có chính xác không?

- Bài viết có thể hiện được tình cảm, cảm xúc của người viết với đối tượng được tả không?

- Cách dùng từ, đặt câu, chuyển ý, chuyển đoạn; chữ viết, chính tả, hình thức trình bày đã đúng chưa?

(Học sinh tự làm.)

Câu 3. Chọn viết lại một đoạn văn cho hay hơn. Đoạn có thể viết là:

a) Đoạn tả hình dáng hoặc đoạn tả tính tình, hoạt động của người được tả.

b) Đoạn mở bài hoặc kết bài.

* Tham khảo các bài viết dưới đây:

ĐỀ 1: Hãy miêu tả một em bé ngây thơ, bụ bẫm đang tập đi, tập nói.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Em bé tên là gì? Mấy tuổi? (Cu Thắng, hơn một tuổi.)

- Con của ai? (Con chị Ba).

2. Thân bài:

* Tả em bé:

- Hình dáng: Thân hình, mái tóc, gương mặt,...

- Tính nết: Hiếu động, vui vẻ, ngoan ngoãn...

- Hành động: Đang tập đi, tập nói...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Từ ngày có bé, gia đình em vui hẳn lên.

- Em yêu quý bé, rất thích chơi với bé.

II. BÀI LÀM

Sau thôi nôi (tròn một tuổi) không bao lâu, cu Thắng đã chập chững tập đi. Đôi bàn chân bé bé xinh xinh lọt thỏm trong đôi giày vải mềm màu đỏ trông dễ thương lạ! Chị Ba dắt con ra giữa nhà rồi buông tay, lùi xa một quãng và âu yếm động viên: "Thắng ơi! Ra với mẹ nào!”.

Cu Thắng toét miệng cười, khoe mấy chiếc răng sữa trắng muốt. Hai cánh tay bụ bẫm giơ ra đằng trước. Đôi chân ngập ngừng như sợ ngã. Bất ngờ, bé bước thật nhanh, cái đầu chúi chúi. Những bước chân non nớt, loạng choạng của bé khiến mọi người vây quanh đều xúc động. Thế là bé đã đi được những bước đầu tiên rồi. Chị Ba vui lắm! Ôm chặt con vào lòng, chị hôn lên mái tóc tơ loăn xoăn, bồng bềnh, hôn lên đôi má hồng hồng của con rồi nựng nịu: “Con trai của mẹ giỏi ghê cơ! Chưa tập đi mà đã tập chạy rồi!”.

Chừng như hiểu ý, cu Thắng thích chí cười khanh khách rồi lại tiếp tục tập đi. Mười ngón tay nhỏ xíu bám chặt lấy thành giường cho khỏi ngã. Ông bà ngoại và các dì, các cậu chăm chú dõi theo từng bước chân của đứa cháu thân yêu.

Năm phút, mười phút trôi qua. Căn nhà nhỏ vang rộn tiếng hò reo, cổ vũ. Em bật nhạc lên, cu Thắng nhún nhảy, lắc lư theo điệu nhạc khiến mọi người cười nghiêng ngả.

Mới hơn một tuổi mà cu Thắng đã bập bẹ gọi bà, gọi mẹ. Mỗi lúc ngồi gọn trong lòng bà ngoại, bé rất thích bập bẹ học nói. Bà hỏi: “Cu Thắng có yêu bà không?”. Bé đáp : “Có”. Bà hỏi tiếp: “Yêu bà ít hay nhiều?”. Bé đáp: “Nhiều”. Bà lại hỏi: “Yêu bà nhiều hay ít?”. Bé hồn nhiên đáp: “Ít”. Cứ thế, hai bà cháu rủ rỉ với nhau. Lát sau, cu Thắng áp mặt vào ngực bà, thiu thiu. Bà vỗ nhè nhẹ vào lưng rồi cất tiếng ru: “À ơi! Cái ngủ mày ngủ cho ngoan, Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về...”. Chỉ vài phút sau là cu cậu đã lơ mơ. Bà khe khẽ đặt bé vào võng. Nhịp võng đong đưa đều đều cùng lời ru êm ái của bà đưa bé vào giấc ngủ say nồng.

Cu Thắng khoẻ mạnh, hiếu động và rất dễ nuôi. Từ ngày có bé, nhà em vui hơn rất nhiều. Tối tối, ba thế hệ quây quần bên nhau và nhân vật trung tâm bao giờ cũng là cu Thắng. Chị Ba thường bảo dẫu vất vả mấy đi nữa nhưng cứ nhìn thấy bé cười tươi như hoa nở là chị lại hết mệt ngay. Em cũng yêu cu Thắng lắm! Thỉnh thoảng, em lại cho bé ngồi trên lưng rồi làm ngựa cho bé cưỡi. Hai cậu cháu chơi hoài không chán. Cu Thắng túm chặt lấy tóc em, miệng bập bẹ: “Nhong nhong”, vẻ khoái chí vô cùng!