I. Nhận xét:

Đọc câu dưới đây và trả lời câu hỏi: Hổ mang bò lên núi.

1. Có thể hiểu câu trên theo những cách nào?

Câu: Hổ mang bò lên núi có thể hiểu theo hai cách:

- (Rắn) hổ mang (đang) bò lên núi.

- (Con) hổ (đang) mang (con) bò lên núi.

- Từ mang trong câu văn này được hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất: hành động mang, vác... Nghĩa thứ hai: tên một loại rắn (hổ mang).

- Từ bò trong câu trên cũng có 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất: hành động trườn, bò... Nghĩa thứ hai: con bò.

2. Vì sao có thể hiểu theo nhiều cách như vậy?

Câu văn trên có thể hiểu theo 2 cách như vậy là do người viết sử dụng từ đồng âm để cố ý tạo ra 2 cách hiểu. Cụ thể:

+ Các tiếng hổ, mang trong từ hổ mang (tên một loài rắn) đồng âm với danh từ hổ (con hổ) và động từ mang.

+ Động từ bò (trườn) đồng âm với danh từ bò (con bò).

3. Thế nào là dùng từ đồng âm để chơi chữ?

Dùng từ đồng âm để chơi chữ là dựa vào hiện tượng đồng âm, tạo ra những câu nói có nhiều nghĩa, gây bất ngờ thú vị cho người đọc, người nghe.

II. Luyện tập:

Câu 1. Các câu sau đã sử dụng những từ đồng âm nào để chơi chữ?

a) Ruồi đậu mâm xôi đậu.

Kiến bò đĩa thịt bò.

Ruồi đậu (1) mâm xôi đậu (2).

Kiến bò (1) đĩa thịt bò (2).

Đậu (1): (động từ) dừng ở một chỗ nhất định.

Đậu (2): (danh từ) đậu (đỗ) xanh hay đậu đen.

Bò (1): (động từ) chỉ một cách di chuyển.

Bò (2): (danh từ) thịt bò.

b) Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

Một nghề cho chín (1) còn hơn chín (2) nghề.

Chín (1): (tính từ) có nghĩa là biết kĩ, thành thạo, tinh thông.

Chín (2): (số từ) số 9.

c) Bác bác trứng, tôi tôi vôi.

Bác (1) bác (2) trứng, tôi (1) tôi (2) vôi.

Bác (1): (danh từ) dùng để xưng hô.

Bác (2): (động từ) bác (bắc) là làm chín trứng bằng cách đun nhỏ lửa, quấy cho đến lúc sền sệt là được.

Tôi (1): (đại từ) dùng để xưng hô.

Tôi (2): (động từ) đổ nước vào đá đã nung để làm cho bở ra.

d) Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.

- Nếu ta đọc theo những cách ngắt giọng khác nhau, tức là đánh dấu phẩy những chỗ khác nhau, thì có thể hiểu câu văn trên theo 2 cách như sau:

+ Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.

Con ngựa (thật) / đá / con ngựa (bằng) đá, / con ngựa (bằng) đá / không đá con ngựa (thật).

+ Con ngựa đá, con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.

Con ngựa (bằng) đá / con ngựa (bằng) đá / con ngựa (bằng) đá / không đá con ngựa (thật).

Câu văn trên có thể hiểu theo hai cách như vậy là do người viết đã sử dụng từ đồng âm để chơi chữ. Từ đó có lúc là động từ (hành động đưa nhanh chân và hất mạnh làm tổn thương đối phương), có lúc là danh từ - chỉ một vật rắn - (hòn đá).

Câu 2. Đặt câu với một cặp từ đồng âm em vừa tìm được ở bài tập 1.

- Bà dặn tôi đừng chơi cạnh hố vôi mới tôi, kẻo ngã xuống đấy thì bỏng.

- Anh Đậu quyết tâm năm nay phải thi đậu vào đại học.