I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bằng giọng thong thả, rõ ràng, nhấn mạnh các từ ngữ gợi tả.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Cà Mau, nắng, hối hả, phũ, nổi, cơn dông, xốp, nẻ, rạn nứt, phập phều, lắm, lẻ, chống nổi, thịnh nộ, chòm, rặng, lòng đất, đước, san sát, xanh rì, sấu, nghị lực, nung đúc, lưu truyền, Tổ quốc,...
II. Tóm tắt nội dung:
Giới thiệu những đặc điểm riêng biệt về khí hậu và thiên nhiên của Cà Mau - mảnh đất cực Nam. Ca ngợi con người Cà Mau thông minh, giàu nghị lực, có tinh thần thượng võ và lòng yêu nước nồng nàn, ngày đêm bảo vệ miền đất tận cùng của Tổ quốc.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Mưa ở Cà Mau có gì khác thường?
Mưa ở Cà Mau là mưa dông: rất đột ngột, dữ dội nhưng chóng tạnh.
2. Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao? Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
- Cây cối mọc thành chùm, thành rặng: rễ dài, cắm sâu vào lòng đất để chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt.
- Người dân Cà Mau dựa trên đặc điểm địa lí nhiều sông rạch để dựng nhà cho thuận tiện: Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước.
3. Người dân Cà Mau có tính cách như thế nào?
Người Cà Mau thông minh, giàu nghị lực, thượng võ, thích kể và thích nghe những chuyện kì lạ về sức mạnh và trí thông minh của con người.
4. Bài văn trên có mấy đoạn? Em hãy đặt tên cho từng đoạn văn.
Bài văn có 3 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến ... cơn dông. Có thể đặt tên là Mưa ở Cà Mau.
- Đoạn 2: Tiếp đến ... cây đước. Có thể đặt tên đoạn này là Đất đai, cây cối và nhà cửa ở Cà Mau.
- Đoạn 3: Phần còn lại. Tính cách con người Cà Mau. / Người Cà Mau kiên cường.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Đọc nhiều lần bài văn.
2/ Dựa vào bài văn Đất Cà Mau, em hãy viết một bài văn tả cảnh sông nước quê em.
(Học sinh tự làm.)