ĐỀ BÀI: Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo, lạc hậu, vì hạnh phúc của nhân dân.

Gợi ý:

+ Những việc làm chống đói nghèo, lạc hậu:

- Làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống của gia đình và địa phương.

- Lai tạo được những giống lúa, giống cây cho năng suất cao,... (như ông Lương Định Của trong bài Nâng niu từng hạt giống, sách Tiếng Việt 3, tập 1).

- Bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan như cúng bái trừ tà ma, kiêng kị vô lí,...

- Bài trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp,...

- Dạy học, mở mang dân trí ở những vùng khó khăn (như cô Y Hoa trong bài Buôn Chư Lênh đón cô giáo).

* Tham khảo bài viết Chuyện chú Út dưới đây:

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Người được kể là ai? (Chú Út của em.)

- Làm nghề gì? (Chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ.)

- Ở đâu? (Ở Bình Chánh, quê nội của em.)

2. Thân bài:

* Tóm tắt hình dáng, tính tình:

+ Hình dáng:

- Chú Út hai mươi tám tuổi, là thợ mộc mĩ nghệ.

- Vóc dáng thanh mảnh, nhanh nhẹn.

- Khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sáng, nụ cười cởi mở.

+ Tính tình:

- Thân thiện, dễ gần, yêu nghề.

+ Việc làm:

- Khéo léo, tài hoa...

- Say mê, cần mẫn trong khi làm việc.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Mến phục tài nghệ của chú Út.

- Muốn thành công phải say mê và cần cù làm việc.

II. BÀI LÀM

Ông bà nội em sinh được bốn người con, ba người đi làm ăn xa, chỉ còn chú Út ở nhà với ông bà. Trước kia, nhà chỉ có ít ruộng nên thóc lúa không đủ ăn, mọi người phải làm thuê để kiếm sống. Chú Út sau khi học hết lớp 12 đã quyết định ở lại quê hương để tự khẳng định mình. Ở xã bên có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, chú đến xin làm ở đó. Chú chăm chỉ chịu khó nên được ông chủ tin yêu và truyền nghề. Sau mấy năm học tập và làm việc vất vả, chú đã thành thạo, được ông chủ cho phép về quê để tạo dựng cơ nghiệp. Chú cùng với mấy người bạn trong ấp lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mĩ nghệ.

Hôm về thăm ông bà nội, bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, chú Út đang say mê tạc bức tượng em bé cưỡi trâu thổi sáo. Lúc ấy, em thực sự bị cuốn hút vào công việc tỉ mỉ, khó khăn nhưng đầy thú vị. Chú Út một tay cầm đục, một tay cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát một. Những miếng dăm gỗ nhỏ xíu rơi lả tả xuống đất. Chỉ một lát sau, hình thù cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn xù xì, đơn giản. Chú Út lấy một con dao nhỏ thật sắc, gọt tỉa từng đường cong mềm mại. Mỗi động tác của chú đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa lạ lùng.

Đến chiều, bức tượng nhỏ đã hoàn thành. Chú Út lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa véc ni màu nâu bóng. Từng đường vân gỗ hiện lên thật đẹp. Chú Út nâng bức tượng ngang tầm mắt, ngắm nghía kĩ lưỡng và đôi môi chú nở nụ cười mãn nguyện. Chú bảo em muốn thành công trong mọi việc, phải có sự say mê và tính cần cù, chịu khó.

Nhìn bức tượng cậu bé đội chiếc nón lá đang thổi sáo, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng có cặp sừng cong vút, đầu cúi xuống như đang thong dong gặm cỏ, em càng mến phục tài nghệ của chú em và những người thợ có bàn tay vàng như chú đang góp phần làm đẹp cuộc đời.

Hàng của chú phần lớn bán ở các cửa hàng mỹ nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đời sống gia đình ông bà em nhờ có chú mà ngày càng khá lên. Chú đang có ý định mở rộng sản xuất, dạy nghề cho thanh thiếu niên trong xóm. Nay mai lớn lên, em sẽ nhờ chú truyền nghề. Trước mắt, em phải chăm chỉ và cố học cho giỏi.

* Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Sự say mê, cần cù và óc sáng tạo trong lao động sẽ đem lại cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc cho con người.