Câu 1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

+ Các em đọc lại các bài tập đọc đã học: Lòng dân, Những con sếu bằng giấy, Bài ca về trái đất, Một chuyên gia máy xúc. Nhớ kĩ nội dung chính, nhân vật chính trong bài.

+ Cách đọc:

- Bài Lòng dân: Giọng đọc thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tính cách của từng nhân vật và diễn biến của câu chuyện. Phân biệt lời của từng nhân vật. Đọc đúng ngữ điệu của các câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm trong bài.

- Bài Những con sếu bằng giấy: Đọc diễn cảm với giọng trầm buồn; nhấn mạnh những từ ngữ miêu tả hậu quả nặng nề của chiến tranh hạt nhân, thể hiện khát vọng sống của cô bé Xa-xa-cô cùng mơ ước hoà bình của thiếu nhi trên toàn thế giới.

- Bài Bài ca về trái đất: Đọc trôi chảy, diễn cảm bài thơ với giọng hồn nhiên, vui tươi, rộn ràng.

- Bài Một chuyên gia máy xúc: Đọc diễn cảm bài văn với giọng nhẹ nhàng, chậm rãi, thể hiện cảm xúc chân thành về tình bạn và tình hữu nghị.

Câu 2. Nghe - viết:

NỖI NIỀM GIỮ NƯỚC GIỮ RỪNG

Tôi biết tờ giấy tôi đang viết và cuốn sách này làm bằng bột nứa, bột gỗ của rừng. Ngồi trong lòng đò ngược sông Đà, nhìn lên nhiều đám cháy nghĩ mà giận người đốt rừng. Chính người đốt rừng đang đốt cơ man nào là sách.

Tôi còn biết rừng cầm trịch cho mực nước sông Hồng, sông Đà. Mỗi năm lũ to kéo về như dòng nước mắt đỏ lừ của rừng, những người chủ chân chính của đất nước lại càng thêm canh cánh nỗi niềm giữ nước giữ rừng.

Theo Nguyễn Tuân

- Các em nghe thầy, cô đọc hết câu mới viết.

- Khi viết xong, cần kiểm tra lại những chữ phải viết hoa, những chữ có âm đầu, âm cuối, dấu thanh dễ sai chính tả: bột nứa, bột gỗ, sông Đà, tàn cháy, nương, ghềnh, giận, trịch, mực nước, sông Hồng, lũ, nỗi niềm, giữ nước, giữ rừng,...

- Nội dung đoạn văn: Thể hiện nỗi niềm trăn trở, băn khoăn về trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ rừng và giữ gìn nguồn nước.