I. Nhận xét:
1. Đọc biên bản dưới đây:
Liên đội Trường Tiểu học Lê Văn Tám
Chi đội lớp 5A
ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
BIÊN BẢN ĐẠI HỘI CHI ĐỘI
I. Thời gian, địa điểm
1. Thời gian: Khai mạc lúc 8 giờ ngày 5 tháng 10 năm 2006.
2. Địa điểm: Lớp 5A, Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
II. Thành phần tham dự
1. Cô Lê Bích Ngọc, chủ nhiệm lớp.
2. Chị Vũ Thanh Phương, phụ trách chi đội.
3. Toàn thể 30 đội viên chi đội.
III. Đoàn chủ tịch, ban thư kí.
1. Đoàn chủ tịch.
- Chị Vũ Thanh Phương, phụ trách chi đội.
- Bạn Ngô Xuân Hồng, chi đội trưởng.
- Bạn Trần Đình Long, lớp trưởng.
2. Ban thư kí.
- Bạn Tạ Mạnh Cường.
- Bạn Hoàng Khánh Linh.
IV. Nội dung đại hội
1. Chi đội trưởng báo cáo hoạt động của chi đội trong năm học 2005 - 2006 và phương hướng hoạt động năm học 2006 - 2007.
2. Thảo luận báo cáo của chi đội trưởng.
- Bạn Sơn: Trong năm học vừa qua, chi đội đạt nhiều thành tích tốt. Đặc biệt, các đội viên đều gương mẫu trong học tập và sinh hoạt.
- Bạn Hương: Chi đội cần tích cực tham gia phong trào xây dựng nếp sống mới của xã.
3. Bầu Ban chỉ huy mới.
- Ứng cử: không có
- Đề cử: Võ Đức Bình, Ngô Xuân Hồng, Hoàng Khánh Linh, Nguyễn Thị Thanh Vân.
- Bầu Ban kiểm phiếu: Hồ Tấn Nhơn, Phan Thanh Bình, Huỳnh Thị Hoa.
- Kết quả bỏ phiếu:
+ Võ Đức Bình: 22 phiếu
+ Hoàng Khánh Linh: 24 phiếu
+ Ngô Xuân Hồng: 30 phiếu
+ Nguyễn Thị Thanh Vân: 14 phiếu
- Trúng cử:
+ Ngô Xuân Hồng
+ Hoàng Khánh Linh
+ Võ Đức Bình
4. Cô chủ nhiệm lớp phát biểu ý kiến.
- Chúc mừng đại hội thành công, chúc mừng Ban chỉ huy mới của chi đội.
- Toàn chi đội cần thực hiện tốt kế hoạch hoạt động, đặc biệt là chỉ tiêu học tập và hoạt động xã hội.
5. Đại hội bế mạc hội 10 giờ, ngày 5 tháng 10 năm 2006.
TM. Đoàn thư kí
Cường
Tạ Mạnh Cường
TM. Đoàn chủ tịch
Hồng
Ngô Xuân Hồng
2. Trả lời câu hỏi:
a) Chi đội lớp 5A ghi biên bản để làm gì?
Ghi biên bản cuộc họp để nhớ các sự việc chính đã xảy ra, ý kiến của mọi người về từng vấn đề, những điều đã thống nhất hoặc chưa thống nhất và xem xét lại khi cần thiết.
b) Cách mở đầu và kết thúc biên bản có điểm gì giống, điểm gì khác cách mở đầu và kết thúc đơn?
* Mở đầu biên bản:
+ Giống nhau: có quốc hiệu, tiêu ngữ, tên văn bản.
+ Khác nhau: biên bản không có tên nơi nhận (kính gửi); thời gian địa điểm làm biên bản ghi ở phần nội dung.
* Kết thúc văn bản:
+ Giống nhau: có tên, chữ kí của người có trách nhiệm.
+ Khác nhau: biên bản cuộc họp có 2 chữ kí (của chủ tịch và thư kí), không có lời cảm ơn như trong đơn.
c) Nêu tóm tắt những điều cần ghi vào biên bản.
Biên bản ghi lại: thời gian, địa điểm họp; thành phần tham dự; chủ toạ, thư kí; nội dung cuộc họp (diễn biến, tóm tắt các ý kiến, kết luận của cuộc họp) chữ kí của chủ tịch và thư kí.
3. Nêu những điều em biết về biên bản cuộc họp?
* Biên bản là văn bản ghi lại nội dung một cuộc họp hoặc một sự việc đã diễn ra để làm bằng chứng.
* Nội dung biên bản thường gồm ba phần:
- Phần mở đầu ghi quốc hiệu, tiêu ngữ (hoặc tên tổ chức), tên biên bản.
- Phần chính ghi thời gian, địa điểm, thành phần có mặt nội dung sự việc.
- Phần kết thúc ghi tên, chữ kí của những người có trách nhiệm.
II. Luyện tập:
Câu 1. Theo em, những trường hợp nào dưới đây cần ghi biên bản? Vì sao?
a) Đại hội chi đội.
b) Họp lớp phổ biến kế hoạch tham quan một di tích lịch sử.
c) Bàn giao tài sản.
d) Đêm liên hoan văn nghệ.
e) Xử lí vi phạm Luật Giao thông.
g) Xử lí việc xây dựng nhà trái phép.
Trường hợp cần ghi biên bản | Lí do |
a) Đại hội chi đội. | Cần ghi lại các ý kiến, chương trình công tác của cả năm học và kết quả bầu cử để làm bằng chứng và thực hiện. |
c) Bàn giao tài sản. | Cần ghi lại danh sách và tình trạng của tài sản lúc bàn giao để làm bằng chứng. |
e) Xử lí vi phạm Luật Giao thông. | Cần ghi lại tình hình vi phạm và cách xử lí để làm bằng chứng. |
g) Xử lí việc xây dựng nhà trái phép. | Cần ghi lại tình hình vi phạm và cách xử lí để làm bằng chứng. |
Trường hợp không cần ghi biên bản | Lí do |
b) Họp lớp phổ biến kế hoạch tham quan một di tích lịch sử. | Đây chỉ là việc phổ biến kế hoạch để mọi người thực hiện ngay, không có điều gì cần ghi lại làm bằng chứng. |
d) Đêm liên hoan văn nghệ. | Đây là một sinh hoạt vui, không có điều gì cần ghi lại để làm bằng chứng. |
Câu 2. Hãy đặt tên cho các biên bản cần lập ở bài tập 1.
Biên bản đại hội chi đội; Biên bản bàn giao tài sản; Biên bản xử lí vi phạm luật giao thông; Biên bản xử lí việc xây dựng nhà trái phép.