I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng kể thong thả, rành mạch. Phân biệt lời dẫn chuyện và lời của từng nhân

vật.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: tranh luận, sôi nổi, phân giải, lao động, vô vị,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài văn kể về một cuộc tranh luận của ba bạn Hùng, Quý, Nam với đề tài Cái gì quý nhất? Thông qua đó khẳng định giá trị cao quý của người lao động.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Theo Hùng, Quý, Nam, cái quý nhất trên đời là gì?

- Hùng: quý nhất là lúa gạo.

- Quý: quý nhất là vàng.

- Nam: quý nhất là thì giờ.

2. Mỗi bạn đưa ra lí lẽ như thế nào để bảo vệ ý kiến của mình?

- Hùng: Lúa gạo nuôi sống con người.

- Quý: Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo.

- Nam: Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc.

3. Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới là quý nhất?

- Lúa gạo, vàng bạc, thì giờ đều rất quý, nhưng chưa phải là quý nhất.

- Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị. Vì vậy người lao động là quý nhất.

4. Chọn tên gọi khác cho bài văn và nêu lí do vì sao em chọn tên gọi đó.

Có thể gọi tên của bài là Người là hoa đất vì bài văn khẳng định giá trị cao quý của người lao động.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Dựa trên nội dung bài văn, em hãy kể lại cuộc tranh luận của lớp em về vấn đề Cái gì quý nhất?

* Tham khảo bài viết dưới đây:

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Lớp em tổ chức buổi trao đổi về đề tài: Cái gì quý nhất?

- Có nhiều ý kiến khác nhau.

- Thầy giáo khẳng định con người là quý nhất.

2. Thân bài:

- Nêu giá trị của lúa gạo: là lương thực chính nuôi dưỡng con người, duy trì sự sống,

- Nêu giá trị của vàng bạc: là kim loại quý hiếm có giá trị cao.

- Nêu giá trị của thời gian: có thời gian sẽ có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và làm việc.

- Nếu con người không biết quý thời gian, không biết sử dụng thời gian vào những công việc có ích thì sẽ không thể tạo ra của cải vật chất và tinh thần.

- Con người là quý nhất vì con người là chủ thể của xã hội, của cuộc sống.

3. Kết bài:

- Cuộc tranh luận thật bổ ích, đem lại những bài học thiết thực.

- Lúa gạo, vàng bạc đều rất quý, nhưng quý nhất vẫn là con người. Chính vì vậy, chúng ta phải xác định mục đích đúng đắn là sống, học tập, làm việc, tu dưỡng nghiêm túc để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

- Chúng ta phải biết quý thời gian, biết sử dụng thời gian cho học tập, lao động, vui chơi... một cách hợp lí.

II. BÀI LÀM

Trong tiết sinh hoạt sáng thứ bảy vừa qua, lớp em đã tổ chức thảo luận về đề tài: Cái gì quý nhất?

Các bạn phát biểu rất hăng hái. An cho rằng lúa gạo quý nhất. Bình nói là vàng bạc quý nhất. Còn em thì khẳng định rằng thời gian là quý nhất. Chẳng ai chịu ai, đành nhờ thầy phân giải. Cuối cùng, cả lớp nhất trí với ý kiến của thầy: con người là quý nhất.

Bạn An nói lúa gạo là quý nhất bởi vì lúa gạo là lương thực do nông dân dầu dãi nắng sương, quanh năm vất vả làm ra để nuôi dưỡng con người, duy trì sự sống. Nếu không có lương thực, chúng ta sẽ chết đói. Ngày xưa, dân gian đã từng có câu: Có thực mới vực được đạo. Bởi thế, lúa gạo thật là quý, con người không thể thiếu nó, dù chỉ một ngày.

Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, muốn đánh thắng giặc ngoại xâm, dân tộc ta phải có một đội quân khoẻ mạnh, thiện chiến. Mà muốn khoẻ thì phải ăn no, thực có túc thì binh mới cường, (lương thực đầy đủ, dồi dào thì quân mới mạnh).

Hiện nay, nước ta đang phấn đấu đạt mục tiêu: Ai cũng được ăn no, mặc ấm, ai cũng được học hành như ước nguyện thiết tha của Bác Hồ. Hơn nữa, nước ta lại là nước có nền kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp nên việc xuất khẩu lúa gạo đổi lấy máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá đã được đặt lên hàng đầu. Thực tế những năm gần đây cho thấy lúa gạo là một nguồn thu rất lớn của nền kinh tế quốc dân. Bởi vậy, ý kiến của bạn An cho rằng lúa gạo quý nhất là có lí.

Bạn Bình khẳng định vàng bạc quý nhất, bởi vì vàng bạc là thứ kim loại quý hiếm, có giá trị rất cao. Người ta thường hay ví quý như vàng, đắt như vàng đó sao? Khi ăn đã no, mặc đã ấm, có tiền dư thừa, người ta hay mua vàng để dành làm của. Lúc cần thiết, có vàng là giải quyết được những khó khăn về vật chất. Ngoài ra, vàng còn được dùng để chế tạo đồ trang sức, tô điểm cho vẻ đẹp con người. Muốn có vàng, người ta phải làm việc vất vả, dành dụm, tiết kiệm bao năm. Do đó, bạn Bình nói là vàng quý nhất cũng chẳng sai.

Theo bạn An, bạn Bình thì lúa gạo, bạc vàng... đều quý, nhưng em khẳng định quý nhất vẫn là thời gian vì lúa gạo, vàng bạc... và bao nhiêu thứ khác còn người có thể làm ra và mua được, nhưng thời gian không ai mua được và làm ra được.

Thời gian gắn liền với từng con người cụ thể. Đời người có tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trung niên và tuổi già, mỗi độ tuổi đều có nét đẹp riêng.

Tuổi ấu thơ và thiếu niên là quãng đời trong sáng nhất. Nó gắn liền với bao kỉ niệm về cha mẹ, anh em, mái ấm gia đình, về dòng sông, bến nước, cây đa, luỹ tre thân thuộc của quê hương. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Nó chứa đựng bao khát khao, mơ ước. Có người đã ví tuổi trẻ là mùa xuân, là tình yêu. Tuổi trẻ sung sức có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện lí tưởng, hoài bão, để tự khẳng định mình. Tuổi trung niên, tuổi già là tuổi chín chắn và từng trải bởi đã từng vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, xuân tới, xuân qua rồi xuân trở lại, mỗi năm một lần nhưng con người không thể nào đi ngược thời gian. Những gì đã qua chỉ còn là kỉ niệm. Khi tóc đã điểm sương, muốn được sống lại những ngày thơ ấu, dù trong tay có bao nhiêu lúa gạo, bạc vàng đi nữa, ta cũng chẳng thể nào biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân và xã hội.

Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không biết quý thời gian, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội? Lúc ấy, dẫu muốn học lại từ đầu cũng không dễ dàng gì.

Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Không khí cuộc trao đổi mỗi lúc một sôi nổi. Các bạn trong lớp cũng chia thành ba nhóm, nhóm nào cũng đem hết tài hùng biện để bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng, bạn Thoa lớp trưởng đề nghị thầy chủ nhiệm phát biểu.

Từ đầu buổi tới giờ, thầy vẫn chăm chủ quan sát, lắng nghe với thái độ tôn trọng và vui vẻ. Thầy ôn tồn nói:

- Tất cả ý kiến của các em đều có lí. Lúa gạo quý vì người nông dân phải đổ bao mồ hôi công sức mới làm ra được. Vàng bạc quý vì đẹp và hiếm. Thời gian quý vì thời gian đã trôi qua sẽ không lấy lại được. Trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ. Nếu chúng ta biết tận dụng thời gian thì sẽ làm được bao nhiêu điều có ích cho bản thân và xã hội. Bỏ phí thời gian thì về sau có hối tiếc cũng không kịp. Nhưng theo thầy thì quý nhất vẫn là con người. Không có con người thì không có lúa gạo, vàng bạc và thời gian cũng trôi qua vô vị. Con người là chủ thể của cuộc sống trên trái đất này. Với trí thông minh, óc sáng tạo và đôi bàn tay cần cù, khéo léo, con người đã làm ra bao điều kì diệu trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Chúng em im lặng lắng nghe và thấy lời thầy nói rất đúng: con người là quý nhất! Em chợt nhớ tới những câu bà nội em hay ví: Người ta là hoa đất, Một mặt người bằng mười mặt của... Vậy là tự bao đời, ông cha chúng ta cũng đã đánh giá rất cao về giá trị con người.