Chọn một trong các đề dưới đây:

Đề 1: Kể một việc làm tốt của em hoặc của những người xung quanh để bảo vệ môi trường.

Đề 2: Kể về một hành động dũng cảm bảo vệ môi trường.

Gợi ý:

1. Những việc làm tốt để bảo vệ môi trường:

a) Giữ vệ sinh nhà cửa, trường lớp, xóm làng, đường phố (thường xuyên quét dọn nhà cửa, lau bàn ghế sạch sẽ, tham gia làm vệ sinh ở xóm làng, đường phố; không xả rác bừa bãi; giữ sạch nguồn nước,...).

b) Trồng cây, chăm sóc cây.

c) Bảo vệ, chăm sóc các loài vật có ích.

d) Khuyên bảo bạn bè, em nhỏ, người xung quanh giữ vệ sinh chung, không bẻ cành, hái hoa ở nơi công cộng, không bắn chim,...

e) Phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại môi trường.

2. Những hành động dũng cảm bảo vệ môi trường:

a) Đấu tranh quyết liệt với những hành vi phá hoại môi trường:

- Khai thác gỗ bừa bãi.

- Săn bắn thú rừng bừa bãi.

- Buôn bán động vật hoang dã.

- Đánh bắt cá bằng thuốc nổ, bằng điện.

- Làm ô nhiễm nguồn nước (xả chất thải độc hại vào nguồn nước sinh hoạt).

- Làm ô nhiễm không khí (xả khói, chất độc hại vào không khí,...).

b) Quên mình bảo vệ môi trường:

- Dũng cảm dập tắt các đám cháy rừng, khắc phục các tai nạn gây hại cho môi trường.

- Bất chấp nguy hiểm, vào rừng sâu tìm các loại thú quý để có biện pháp bảo vệ chúng.

* Tham khảo các đề dưới đây:

ĐỀ 1: Kể lại một việc làm tốt của em hoặc của những người xung quanh để bảo vệ môi trường. Ví dụ: Phố em hằng tuần tổ chức các buổi tổng vệ sinh. Em hãy kể lại một trong các buổi tổng vệ sinh ấy.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Thời gian diễn ra hoạt động: chiều thứ bảy.

- Công việc: tổng vệ sinh đường phố.

2. Thân bài:

* Tả cảnh:

- Thành phần tham gia: mỗi nhà cử một người.

- Công việc: quét đường, khơi cống rãnh, hót rác...

- Ý thức làm việc: nhiệt tình, sôi nổi.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Đường phố trở nên sạch sẽ.

- Tinh thần đoàn kết được nâng cao.

II. BÀI LÀM

Tuần nào cũng vậy, cứ đến chiều thứ bảy là khu phố em tổ chức buổi tổng vệ sinh làm sạch đường phố.

Chiều nay, đúng năm giờ, một hồi kẻng vang lên. Mỗi nhà cử một người tham gia nên buổi lao động nào cũng có đủ các lứa tuổi. Các cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ thường có mặt sớm hơn cả và vui vẻ chuyện trò trong khi chờ đợi. Các bà nội trợ đang bận nấu dở bữa cơm chiều nên thường có mặt sau cùng. Đám thanh niên tỏ ra rất phấn khởi, luôn miệng cười đùa. Khi mọi người đến đã đông đủ, bác tổ trưởng bắt đầu phân công công việc cho từng nhóm. Việc khơi thông cống rãnh quan trọng và vất vả nhất nên thường được giao cho thanh niên. Còn các cụ già và chúng em thì quét dọn đường phố cho sạch sẽ.

Ai nấy nhanh chóng bắt tay vào việc. Nhóm khơi cống đứng rải đều, nối tiếp nhau lùa bùn rác về một chỗ. Rác được xúc lên đem đi đổ, còn nước được dồn ra phía các hố ga. Chúng em dàn thành hàng ngang, cùng quét sạch mặt đường. Mấy bác bảo chúng em rảy nước và quét nhẹ tay cho đỡ bụi. Đi làm vệ sinh đường phố như thế này cũng là một công việc thú vị đối với chúng em.

Ở góc phố gần ngã tư có một đống gạch vữa ngổn ngang, cản lối đi lại. Mấy anh xúc đổ vào bồn rác cuối đường để xe của công ty vệ sinh chở đi. Chỉ chừng nửa giờ sau, công việc đã xong xuôi. Đường phố gọn gàng, sáng sủa hắn ra.

Em nghĩ rằng thành phố sạch và xanh là điều mong muốn của tất cả chúng ta và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của một thành phố văn minh, hiện đại.

ĐỀ 2: Rừng mang lại nhiều lợi ích cho con người. Do đó, con người phải bảo vệ rừng. Em hãy chứng minh điều đó.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Rừng là một trong những tài nguyên quý báu của đất nước. Cha ông ta đã tổng kết: Rừng vàng, biển bạc.

2. Thân bài:

* Rừng mang lại nhiều lợi ích:

- Cung cấp nhiều lâm sản quý giá.

- Điều hoà khí hậu: ngăn nước lũ, thanh lọc không khí, chắn gió, chắn cát...

- Là những khu bảo tồn thiên nhiên vô giá.

- Là những địa điểm xây dựng khu du lịch, nghỉ mát, chữa bệnh rất lí tưởng.

* Con người phải bảo vệ rừng, nếu không rừng sẽ bị khai thác cạn kiệt.

- Bảo vệ vành đai rừng đầu nguồn.

- Khai thác rừng phải có quy hoạch.

- Phòng chống cháy rừng.

- Hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

3. Kết bài:

- Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống để rừng ngày càng xanh tốt, phục vụ con người được nhiều hơn.

II. BÀI LÀM

Từ ngày xưa, rừng đã được coi là tài sản quý báu vào bậc nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Trong thực tế, rừng đã đem lại nhiều lợi ích to lớn. Ông cha ta đã nhận xét giá trị của rừng qua câu: Rừng vàng, biển bạc.

Trước hết, rừng là nguồn cung cấp nhiều loại lâm sản quý giá cần thiết cho cuộc sống. Nói đến rừng là người ta nghĩ ngay đến gỗ. Từ đinh, lim, sến, táu cứng bền như sắt (được gọi là tứ thiết) có độ bền hàng ngàn năm là nguyên liệu để xây dựng đình chùa, lăng tẩm, đến lát chun, cẩm lai, vàng tâm, giáng hương... rất được ưa chuộng để làm đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ và để làm nhà cửa. Từ cây gỗ chống lò trong hầm mỏ đến cành củi, mẩu than... tất cả đều từ rừng mà ra.

Ngày nay, với khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại, con người đã chế tạo ra nhiều nguyên liệu tổng hợp giống gỗ từ các sản phẩm hoá học, nhưng vẫn không thể thay thế được vai trò của gỗ lấy từ rừng. Tre, nứa, trúc, mai, vầu... cùng với gỗ là nguyên liệu chính để sản xuất giấy và hàng ngàn vật dụng quen thuộc khác.

Rừng còn cung cấp hàng trăm sản vật quý hiếm khác. Nhiều loại cây cỏ của rừng là những vị thuốc đem lại sức khoẻ và sự sống cho con người. Không thể kể hết những nguồn lợi do rừng đem lại.

Rừng còn giữ vai trò điều hoà khí hậu, bảo vệ sự sống. Rừng cây xanh bạt ngàn là lá phổi khổng lồ thanh lọc không khí, cung cấp nguồn dưỡng khí duy trì sự sống cho con người. Có loại rừng chắn gió, chắn cát ven biển. Có loại rừng ngăn nước lũ trên núi. Rừng giúp con người hạn chế thiên tai. Đặc biệt, rừng là khu bảo tồn thiên nhiên vô giá với hàng ngàn loài chim, loài thú, loài cây quý giá, là nguồn đề tài nghiên cứu bất tận cho các nhà sinh vật học.

Đối với dân tộc Việt Nam, rừng còn gắn chặt với từng chặng đường lịch sử. Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, rừng trở thành căn cứ cách mạng: Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Trong thời bình, rừng là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng, là điểm tham quan du lịch của mọi người.
Rừng đem lại nhiều lợi ích như thế nhưng con người chưa biết bảo vệ nguồn lợi quý giá từ rừng. Bọn lâm tặc săn lùng gỗ quý khắp nơi. Muốn lấy một cây gỗ, chúng sẵn sàng chặt phá hàng trăm cây cối to nhỏ xung quanh. Vì tiền, chúng bẫy hổ, săn gấu, bò tót, hươu, nai, lợn rừng... ngay cả trong mùa sinh sản. Tập quán đốt rừng làm rẫy của đồng bào miền núi đã thu hẹp rất nhiều diện tích rừng. Nguy hại của việc làm đó là phá huỷ vành đai rừng phòng hộ, dẫn đến hiểm hoạ sạt núi, lở đất và những cơn lũ lớn không thể nào ngăn chặn được, gây ra hậu quả ghê gớm khó lường.

Khai thác rừng để phục vụ cuộc sống con người là việc làm cần thiết, nhưng muốn hưởng lợi ích lâu dài thì con người phải biết bảo vệ rừng. Cùng với việc chặt cây lấy gỗ, chúng ta phải biết trồng cây gây rừng. Khai thác lâm sản cũng phải có kế hoạch, có mức độ, nếu không, chẳng mấy chốc mà tài nguyên rừng cạn kiệt. Khi đó, thử hỏi con người lấy gì để chống đỡ với gió, với cát, với nước lũ... và lấy đâu ra rừng vàng cho con cháu mai sau?!

Để bảo vệ rừng, Nhà nước ta đã có pháp lệnh cụ thể về khai thác rừng. Với sự ủng hộ của các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, phong trào thực hiện vườn rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc... đang được tiến hành rộng khắp. Chúng ta hi vọng rằng rừng Việt Nam sẽ được bảo tồn và ngày càng phát triển.