ĐỀ BÀI: Kể chuyện về một buổi sum họp đầm ấm trong gia đình.

Gợi ý:

1. Đó là buổi sum họp của gia đình ai (gia đình em hay gia đình bạn em, gia đình họ hàng, hàng xóm,...)?

2. Buổi sum họp đó diễn ra vào thời gian nào (sáng, tối,...) và vào dịp nào (bữa cơm thường ngày, dịp lễ tết, sinh nhật, mừng thọ, ngày giỗ,...)?

3. Trong buổi sum họp gia đình có những ai? Mọi người trò chuyện, thể hiện tình cảm thương yêu, quan tâm đến nhau ra sao?

4. Không khí đầm ấm của buổi sum họp gia đình đó gợi cho em suy nghĩ gì?

* Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Hãy tả cảnh sum họp của gia đình em (hoặc gia đình mà em quen biết) vào một buổi tối.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Cảnh sum họp của gia đình em hay gia đình ai? (Gia đình em)

- Diễn ra vào buổi tối nào trong tuần? (Thứ bảy)

2. Thân bài:

* Tả cảnh sum họp:

+ Những nét bao quát về khung cảnh:

- Diễn ra trong phòng khách ấm cúng, sau bữa cơm chiều.

- Ánh đèn nê-ông toả sáng. Đồ đạc trong phòng gọn gàng, ngăn nắp.

+ Hoạt động của mọi người:

- Ba bế em bé vào lòng, âu yếm hôn bé...

- Em bé nũng nịu ôm lấy cổ ba...

- Mẹ đọc báo.

- Em tập đàn.

- Cả nhà cùng xem ti-vi và trò chuyện vui vẻ... Ba hỏi thăm về chuyện học tập của em...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Gia đình sum họp trong tình yêu thương, đầm ấm.

- Em cảm thấy hạnh phúc khi được sống trong vòng tay bao bọc của ba mę.

II. BÀI LÀM

Ba em làm việc ở Vũng Tàu, cách nhà hàng trăm cây số, một tuần mới về một lần vào tối thứ bảy. Đây là dịp gia đình em sum họp.

Cơm nước xong xuôi, mọi người quây quần trong phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông toả ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa phong lan bằng giấy tự tay mẹ em làm treo trên tường màu sắc rực rỡ trông như thật. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp.

Ba em bế bé Thảo vào lòng, âu yếm hôn lên tóc, lên má bé. Thảo ôm lấy cổ ba, nũng nịu: “Ba! Ba có nhớ con không?”. Ba đáp: “Nhớ lắm!”. Rồi ba hỏi lại bé: “Thế con có thương ba không?”. Bé Thảo cười, nhe hàm răng sún: “Con thương ba nhiều!”. Ba trêu: “Nhiều bằng ngần nào?”. Bé Thảo xoè mười ngón tay xinh xinh: “Nhiều bằng ngần này này!”. Mẹ đang đọc báo, em đang tập chơi đàn organ đều phì cười vì vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của bé.

Kim đồng hồ chỉ bảy giờ. Em bật ti-vi để coi tiết mục Vườn âm nhạc. Tối nay, chương trình văn nghệ mẫu giáo rất hay. Bé Thảo vừa xem vừa vỗ tay hát theo. Mẹ khen bé hát hay, bé cười tít mắt, càng hát lớn hơn. Đôi bím tóc thắt nơ hồng làm tăng vẻ dễ thương của bé.

Ba hỏi em: “Tuần này kết quả học tập của con ra sao? Môn Toán có khá hơn chút nào không?”. Em sung sướng khoe với ba mấy điểm mười đỏ chói trong vở bài tập. Ba xoa đầu em, động viên: “Nếu con cố gắng liên tục như thế này thì ba tin rằng cuối năm con sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi”. Em hiểu rằng có được kết quả đó là do sự chỉ bảo tận tình của thầy cô và ba mẹ. Mỗi lần về thăm nhà, ba lại tranh thủ hướng dẫn em làm những bài toán khó.

Mẹ bưng ra một đĩa bánh kẹo, quà của ba mang về hồi chiều. Bé Thảo thích thú vỗ tay reo: “A, kẹo ngon quá! Mẹ cho con nhiều nghe mẹ!”. Ba mắng yêu: “Thảo hư nhé! Ăn nhiều kẹo buổi tối là sâu răng đấy! Ăn xong, hai chị em nhớ đánh răng cho sạch nghe chưa!”. Rồi ba quay sang hỏi mẹ về tình hình công việc nhà cửa trong tuần. Mẹ vui vẻ đáp: “Ổn cả thôi anh ạ! Anh cứ yên tâm!”. Ba dặn em phải giúp đỡ mẹ để mẹ đỡ vất vả lúc ba vắng nhà.

Tối thứ bảy nào gia đình em cũng sum họp trong tình yêu thương đầm ấm như vậy. Em cảm thấy rằng được sống trong vòng tay bao bọc của ba mẹ hạnh phúc biết chừng nào!

ĐỀ 2: Không gì hạnh phúc hơn là được ở bên bà, nghe bà kể chuyện.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Đêm mùa hè, em nằm bên bà, nghe bà kể chuyện.

2. Thân bài:

* Tả bà:

- Bà đã hơn 70 tuổi, sức khoẻ vẫn dẻo dai, trí óc minh mẫn. Mái tóc bạc búi cao, gương mặt phúc hậu, đôi mắt hiền từ, nụ cười độ lượng.

- Bà rất thương yêu con cháu. Tần tảo, đảm đang nuôi các con nên người. Giúp các con nuôi dạy các cháu chăm ngoan.

- Mọi người đều yêu quý, kính trọng bà.

- Em tin cậy, thường xin ý kiến bà trong mọi việc.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em về bà:

- Trong vòng tay che chở, bao bọc của bà, em thấy vô cùng hạnh phúc.

- Tài sản quý báu nhất bà em để lại cho con cháu là nếp sống: Đói cho sạch, rách cho thơm.

II. BÀI LÀM

Đêm mùa hè, gió nồm nam lồng lộng thổi trong những luỹ tre ven làng, đem theo hương lúa chín vào đến tận ngóc ngách xóm thôn. Trên bầu trời đêm thăm thẳm, muôn vạn vì sao nhấp nháy tinh nghịch như mắt trẻ thơ. Trăng non đầu tháng cong cong như lưỡi liềm, toả ánh sáng mờ mờ xuống mặt đất. Trong vườn, tiếng côn trùng rỉ rả hoà cùng tiếng ếch nhái uôm oam văng vẳng ngoài đồng. Làng quê đang chìm dần vào giấc ngủ an lành sau một ngày làm lụng vất vả.

Trên chiếc võng đay mắc giữa hai gốc cau trước sân nhà, em nằm bên bà, lắng nghe bà kể chuyện. Bà em là một kho tàng cổ tích, ca dao. Bà thuộc làu nhiều chuyện và kể rất hay! Đã thành thói quen, trước khi đi ngủ, bao giờ em cũng vòi bằng được bà kể cho nghe vài chuyện.

Bà em năm nay tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng sức khoẻ vẫn dẻo dai và trí óc còn minh mẫn lắm! Mái tóc bạc trắng búi gọn sau đầu. Gương mặt đầy đặn, phúc hậu. Đôi mắt nheo nheo với ánh nhìn ấm áp hiền từ cùng nụ cười độ lượng tạo cho bà vẻ cởi mở, thân thiện, rất dễ gần.

Ông em mất từ lúc bà còn rất trẻ. Một nách hai con nhỏ, bà quần quật làm việc nuôi con. Bố em kể rằng lúc học hết cấp hai, thấy bà quá vất vả, bố đã xin nghỉ học để đỡ đần nhưng bà nhất quyết không cho. Bà chỉ có một mong ước là các con học hành nên người để cuộc sống sau này đỡ khổ. Hiểu lòng bà, bố em đã phấn đấu trở thành kĩ sư nông nghiệp và cô Thuỷ giờ đây là giáo viên dạy Toán ở trường trung học phổ thông của huyện. Tuy cuộc sống vật chất còn khó khăn so với nhiều nhà trong làng nhưng bà em rất tự hào về những người con thành đạt và hiếu thảo.

Em yêu bà lắm! Chuyện ở nhà, ở lớp... em hay hỏi ý kiến bà và bao giờ cũng nhận được từ bà những lời khuyên đúng đắn, chí tình. Bà thường chỉ bảo cho em những điều cần thiết trong cuộc sống như danh dự, uy tín, cung cách cư xử với người trên, với bạn bè sao cho tốt, cho hay. Những câu tục ngữ, ca dao quen thuộc đã thấm rất sâu vào suy nghĩ và trở thành lời ăn tiếng nói tự nhiên hằng ngày của bà đối với con cháu trong nhà và họ hàng, làng xóm. Mỗi khi em tỏ ra ngại khó, bà khuyên có chí thì nên. Lúc đùa vui, em lỡ cười to nói lớn, bà nhẹ nhàng nhắc nhở: “Con gái phải nết na, ý tứ”.

Trong sự chở che, bảo bọc và dạy dỗ của bà, em thấy mình vô cùng hạnh phúc! Nhà nghèo, của cải chẳng có gì đáng giá nhưng em vẫn tự hào với truyền thống tốt đẹp của gia đình: Đói cho sạch, rách cho thơm. Đấy là thứ tài sản quý báu nhất mà bà em để lại cho con cháu.