I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần các bài ca dao, nhớ kĩ các hình ảnh và chi tiết nổi bật.
- Đọc với giọng thong thả, rõ ràng, thể hiện tình cảm chân thành của người nông dân.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: sản xuất, cày, buổi ban trưa, ruộng cày, muôn phần, nắng, công lênh, tấc đất, tấc vàng, lấy, nay, biển lặng,...
II. Tóm tắt nội dung:
Đây là chùm ca dao nói về nỗi vất vả, lo lắng của người nông dân trong quá trình làm ra hạt lúa, đồng thời cũng là lời nhắc nhở mọi người: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Tìm những hình ảnh nói lên nỗi vất vả, lo lắng của người nông dân trong sản xuất.
- Nỗi vất vả: Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
- Sự lo lắng: Đi cấy còn trông nhiều bề: Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm; Trông cho chân cứng đá mềm; Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
2. Những câu nào thể hiện tinh thần lạc quan của người nông dân?
- Công lênh chẳng quản lâu đâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
3. Tìm những câu ứng với mỗi nội dung (a, b, c) dưới đây:
a) Khuyên nông dân chăm chỉ cấy cày:
Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
b) Thể hiện quyết tâm trong lao động sản xuất:
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
c) Nhắc mọi người nhớ ơn nông dân làm ra hạt gạo.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng các bài ca dao trên.
2/ Phát biểu cảm nghĩ của em về một trong các bài ca dao trên.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Trong ca dao - dân ca, bên cạnh những bài phản ánh đời sống tinh thần phong phú còn có những bài trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của người nông dân trước công việc quen thuộc hằng ngày. Bài ca dao sau đây là một ví dụ tiêu biểu:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
Nội dung bài ca dao thật đơn giản: người nông dân đi cấy lúa, chân ngập dưới bùn sâu mà lòng ngổn ngang trăm mối lo toan và thầm mong mưa thuận gió hoà để có được một vụ lúa bội thu.
Trước hết là sự phân biệt rõ ràng giữa việc đi cấy của bản thân mình với những người thợ cấy khác:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Đi cấy lấy công tức là đi cấy thuê. Cấy ít tiền ít, cấy nhiều tiền nhiều. Xong việc là thôi, chẳng ràng buộc trách nhiệm gì với chủ ruộng. Có vất vả cũng chỉ là vất vả tấm thân: Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời; Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm... (Tục ngữ).
Còn trong trường hợp này, người nông dân đi cấy trên ruộng nhà. Đó là cơ sở để phân biệt giữa người làm thuê với người làm chủ. Vì thế mà sự trông mong, lo lắng nhiều bề cũng xuất phát từ đây. Tôi khác với người ta ở cách tính toán trăn trở, năm liệu bảy lo về công việc với một ý thức trách nhiệm cao và một vốn hiểu biết khá phong phú, toàn diện.
Hai từ trông và bề ở câu thứ 2 thật hàm súc, đa nghĩa và được sử dụng rất chính xác. Từ trông vừa có nghĩa là quan sát, nhìn ngó, nhận xét, phân tích, vừa có nghĩa là lo lắng, mong đợi, hi vọng. Từ bề cũng vậy, vừa chỉ cái hữu hình tồn tại trong không gian (trời, đất, mây), vừa chỉ cái vô hình như nỗi mong đợi, ao ước hoặc chiêm nghiệm bằng tâm tưởng (nỗi lo thiên tai, niềm vui được mùa...).
Ở câu thứ hai: Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề, nghĩa của từ trông gắn liền với nghĩa của từ nhiều bề, gợi lên hình ảnh một phụ nữ nông dân có tầm suy nghĩ, nhìn nhận công việc rất thấu đáo. Hình ảnh ấy sẽ được tiếp tục khắc hoạ rõ nét ở những câu sau. Đặc biệt là hai câu giữa bài với 7 từ trông gắn liền với 7 đối tượng cụ thể khác nhau (trời, đất, mây, mưa, nắng, ngày, đêm) trong bối cảnh rộng lớn của không gian và thời gian:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Các từ trông trên đây đều có thể hiểu theo hai hoặc ba lớp nghĩa và mỗi từ mang một sắc thái biểu cảm khác nhau.
Nếu như ở câu: Trông trời, trông đất, trông mây, từ trông có nghĩa là quan sát và theo dõi liên tục sự thay đổi của thời tiết với thái độ băn khoăn, lo lắng, thì ở câu: Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm, từ trông lại có nghĩa là cầu mong. Mong sao mưa thuận gió hoà cho cây lúa tốt tươi, để người vơi bớt nỗi nhọc nhằn và chứa chan hi vọng. Đến hai câu cuối bài thì từ trông rõ ràng mang ý nghĩa là niềm hi vọng, là ước mong tha thiết:
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
Chân cứng đá mềm là thành ngữ chỉ sức mạnh và ý chí của con người, nhất là những người phải xông pha vào những công việc gian nan vất vả, thậm chí hiểm nguy. Trông cho chân cứng đá mềm nghĩa là mong sao cho bản thân có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có được niềm vui, niềm tin trong cuộc sống.
Trời yên, biển lặng cũng là thành ngữ biểu hiện sự thuận hoà của thiên nhiên (thời tiết, khí hậu); cao hơn nữa là sự yên bình trong cuộc sống (xã hội trật tự, an ninh, không có chiến tranh, trộm cướp)...
Trong những bài ca dao trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của người nông dân trước công việc, ít có bài nào vừa giản dị, tự nhiên, vừa hàm súc ý nghĩa như bài này.