Chọn một trong hai đề bài sau đây:

ĐỀ 1: Nói về một nước mà em được biết qua truyền hình, phim ảnh,...

ĐỀ 2: Kể lại một câu chuyện em đã chứng kiến hoặc một việc em đã làm thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước.

* Tham khảo bài viết về việc quyên góp ủng hộ nhân dân các nước bị tai hoạ sóng thần cuối năm 2004 dưới đây:

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu câu chuyện:

- Đó là chuyện gì?

- Xảy ra bao giờ? Vào hoàn cảnh nào?

2. Thân bài:

+ Kể diễn biến của câu chuyện:

- Sau khi thiên tai ghê gớm xảy ra, nhiều nước bị thiệt hại nặng nề về người và của. (Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin...).

- Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chia buồn...

- Phong trào quyên góp lương thực, quần áo, thuốc men, tiền bạc để ủng hộ nhân dân các vùng bị thiên tai được phát động rộng rãi trong cả nước.

- Trường em cũng hưởng ứng phong trào rất tích cực... Bản thân em đã đóng góp số tiền tiết kiệm được trong suốt một năm...

3. Kết bài:

- Em thực sự thông cảm và chia sẻ với những nạn nhân của thiên tai, nhất là các bạn thiếu nhi.

- Việc làm của em tuy nhỏ nhưng em rất vui vì đã cùng cả nước góp phần làm vơi bớt nỗi đau khổ của đồng loại.

- Phong trào giúp đỡ nạn nhân các nước bị thảm hoạ sóng thần thể hiện truyền thống nhân ái “Thương người như thể thương thân” rất đáng quý của dân tộc Việt Nam.

II. BÀI LÀM

Em xin kể về phong trào quyên góp cứu trợ nhân dân các nước bị thảm hoạ sóng thần xảy ra vào cuối năm 2004.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm cũ. Nhân dân toàn thế giới đang náo nức chuẩn bị đón chào năm mới với bao điều hứa hẹn đang chờ phía trước. Bỗng nhiên, trời đất nổi cơn giận dữ. Bão tố, cuồng phong, sóng thần, động đất... bất ngờ ập đến, tàn phá bao cơ sở vật chất và cướp đi sinh mạng hàng vạn con người. Đau thương, tang tóc trùm lên cuộc sống. Cả nhân loại bàng hoàng, đau đớn và ngay sau đó đã nhanh chóng tổ chức phong trào cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân các vùng bị thiên tai.

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã kịp thời gửi điện chia buồn. Phong trào quyên góp được phát động rộng rãi trong cả nước. Xem tivi, em thấy các vị lãnh đạo cao cấp ủng hộ đầu tiên. Rồi các cơ quan, đoàn thể, công an, quân đội, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... nhiệt tình hưởng ứng.

Trường Tiểu học Lương Văn Can của chúng em trong tiết chào cờ sáng thứ hai, thầy Hiệu trưởng đã phát động phong trào quyên góp. Không khí trong trường, trong lớp khác hẳn mọi ngày. Ở đâu cũng bàn tán xôn xao về hậu quả khủng khiếp của thiên tai mà bao người đang phải hứng chịu.

Sáng thứ ba, mấy chục bạn học sinh 5A mang theo “heo đất” đến lớp. Một cuộc “mổ heo” diễn ra nhanh chóng. Được bao nhiêu tiền, các bạn đóng góp hết cả. Với số tiền dành dụm suốt năm được hai trăm ngàn, em định để may quần áo mới và mua chiếc cặp mới, nhưng lúc này, em sẵn sàng đóng góp để chia sẻ hoạn nạn với mọi người.

Chẳng mấy chốc, việc quyên góp đã xong. Trên bàn cô giáo, đống tiền xu để riêng, đống tiền giấy để riêng. Các bạn tổ trưởng ghi danh sách của tổ mình. Dù nhiều, dù ít, không bạn nào là không đóng góp.

Cô giáo tuyên bố thu được tổng cộng là 3.745.000 đồng. Một con số thật “bất ngờ”. Cô giáo khen ngợi chúng em đã nhiệt tình ủng hộ phong trào. Cả lớp vỗ tay vang dội. Những gương mặt ửng hồng, những ánh mắt long lanh xúc động trông thật đáng yêu!

Chúng em thực sự thông cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với những người bị nạn, nhất là các bạn thiếu nhi. Số tiền chúng em đóng góp tuy chưa nhiều nhưng nó thể hiện tình cảm chân thành và ước mong mang lại chút an ủi, động viên đối với các nạn nhân, làm vơi bớt nỗi khổ của họ. Phong trào quyên góp cứu trợ này cũng thể hiện truyền thống nhân ái Thương người như thể thương thân rất đáng quý của dân tộc Việt Nam.