Câu 1. Đọc đoạn văn sau. Tìm danh từ riêng và 3 danh từ chung trong đoạn văn.
- Chị! - Nguyên quay sang tôi, giọng nghẹn ngào. - Chị ... Chị là chị gái của em nhé!
Tôi nhìn em cười trong hai hàng nước mắt kéo vệt trên má:
- Chị sẽ là chị của em mãi mãi!
Nguyên cười rồi đưa tay lên quệt má. Tôi chẳng buồn lau mặt nữa. Chúng tôi đứng như vậy nhìn ra phía xa sáng rực ánh đèn màu, xung quanh là tiếng đàn, tiếng hát khi xa, khi gần chào mừng mùa xuân. Một năm mới bắt đầu.
Theo Thuỳ Linh
- Danh từ riêng: Nguyên
- Danh từ chung: giọng, chị gái, hàng, nước mắt, vệt, má, chị, tay, má, mặt, phía, ánh đèn, màu, tiếng, đàn, tiếng, hát, mùa xuân, năm.
* Lưu ý:
+ Danh từ chung là tên của một loại sự vật.
+ Danh từ riêng là tên riêng của một sự vật. Danh từ riêng luôn luôn được viết hoa.
+ Các từ chị, chị gái in đậm sau đây là danh từ, còn các từ chị, em được in nghiêng là đại từ xưng hô:
- Chị! - Nguyên quay sang tôi, giọng nghẹn ngào. - Chị ... Chị là chị gái của em nhé!
Tôi nhìn em cười trong hai hàng nước mắt kéo vệt trên má:
- Chị sẽ là chị của em mãi mãi!
Câu 2. Nhắc lại quy tắc viết hoa danh từ riêng đã học.
- Khi viết tên người, tên địa lí Việt Nam, cần viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó.
Ví dụ : Võ Nguyên Giáp, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu,... Cửu Long, Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Thái Bình,...
- Khi viết tên người, tên địa lí nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.
Ví dụ : Pa-ri, An-pơ, Đa-nuýp, Vích-to Huy-gô,...
Những tên riêng nước ngoài được phiên âm theo âm Hán Việt thì viết giống như cách viết tên riêng Việt Nam.
Ví dụ: Bắc Kinh, Tây Ban Nha, Quách Mạt Nhược, Lí Bạch...
Câu 3. Tìm đại từ xưng hô trong đoạn văn ở bài tập 1.
- Đại từ xưng hô trong đoạn văn: chị, em, tôi, chúng tôi.
Câu 4. Tìm trong đoạn văn ở bài tập 1:
a) Một danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai làm gì?
b) Một danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai thế nào?
c) Một danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai là gì?
d) Một danh từ tham gia bộ phận làm vị ngữ trong kiểu câu Ai là gì?
* Gợi ý:
a) Danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai làm gì?
1. Nguyên (danh từ) quay sang tôi, giọng nghẹn ngào.
2. Tôi (đại từ) nhìn em cười trong hai hang nước mắt kéo vệt trên má.
3. Nguyên (danh từ) cười rồi đưa tay lên quệt má.
4. Tôi (đại từ) chẳng buồn lau mặt nữa.
5. Chúng tôi (đại từ) đứng như vậy nhìn ra phía xa sáng rực ánh đèn màu...
b) Danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai thế nào?
Một mùa xuân mới (cụm danh từ) bắt đầu.
c) Danh từ hoặc đại từ làm chủ ngữ trong kiểu câu Ai là gì?
1. Chị (đại từ gốc danh từ) là chị gái của em nhé!
2. Chị (đại từ gốc danh từ) sẽ là chị của em mãi mãi.
d) Danh từ tham gia bộ phận làm vị ngữ trong kiểu câu Ai là gì?
1. Chị là chị gái của em nhé!
2. Chị sẽ là chị của em mãi mãi!
Danh từ làm vị ngữ (từ chị trong hai câu trên) phải đứng sau từ là.