Chọn một trong các đề sau:

1. Tả một em bé đang tuổi tập đi, tập nói.

2. Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, em...) của em.

3. Tả một bạn học của em.

4. Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo, thầy giáo...) đang làm việc.

* Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Hãy tả bà ngoại kính yêu của em.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Bà ngoại của em.

- Hoàn cảnh sống của bà.

2. Thân bài:

* Tả bà:

+ Ngoại hình:

- Tuổi tác, hình dáng, gương mặt...

+ Tính nết:

- Siêng năng, cần cù, giàu tình thương đối với con cháu. (Thể hiện qua lời nói và hành động.)

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Em rất yêu quý, kính phục bà.

- Mong có dịp được ở lâu bên bà.

II. BÀI LÀM

Sau khi nghỉ hè một tuần, em được má cho về thăm bà ngoại ở Vĩnh Kim, một vùng cây trái nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.

Tới gần ngôi nhà lớn nằm dưới bóng mát rặng dừa, em đã nghe thấy tiếng ru: Ầu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...Chắc là bà ngoại đang ru bé Bi, con cậu Tư ngủ. Em chạy vội vào, vòng tay, cúi đầu chào bà và rất mừng vì thấy bà vẫn khoẻ. Bà ngoại vuốt tóc em, âu yếm hỏi: “Má con cháu Thanh về thăm bà đấy ư? Cháu bà dạo này mau lớn quá!”.

Bà ngoại em năm nay tuổi đã bảy mươi. Mái tóc bạc trắng búi cao. Những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt phúc hậu. Mỗi khi bà cười, ánh mắt hiền từ, ấm áp. Bà ngoại sống chung với vợ chồng cậu Tư. Ngày ngày, bà dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và chăm nom cháu bé. Có bà giúp đỡ, cậu mợ em an tâm dạy học.

Tuy đã già nhưng bà ngoại em vẫn còn khoẻ mạnh. Lưng bà chưa còng, tai còn tinh, mắt còn sáng và trí nhớ rất tốt. Bà thường kể cho em nghe về những ngày em còn nhỏ xíu, được bà chăm sóc, vỗ về như thế nào.

Đến chiều, bà dẫn em ra vườn chơi. Chỉ tay lên cây mận hồng đào đầy trái chín, bà bảo: “Phần cháu đấy! Nhớ hái nhiều mang về trên ấy làm quà cho bé Thu và các bạn!”. Đến cây mít ở góc vườn, bà vỗ vỗ vào trái lớn nhất, mỉm cười và nói: “Trái này bà cũng để dành cho cháu đó! Liệu có mang nổi không?”. Em sung sướng khi được bà yêu thương như thế. Được cầm tay bà đi trong vườn trái cây sum suê, em tưởng như mình lạc vào thế giới cổ tích đẹp đẽ và bà ngoại em là một bà tiên đầy phép lạ.

Tối đến, em nằm khoanh tròn trong lòng bà như thuở ấu thơ, say mê nghe bà kể chuyện ngày xửa, ngày xưa. Qua lời bà kể, em càng thương cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền và thương chú Cuội phải sống một mình bên gốc đa trên cung trăng. Kể chuyện xong, bà hỏi về kết quả học tập của em. Em thưa với bà là năm học vừa qua, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc, bà vui lòng lắm.

Mấy ngày ở quê trôi qua nhanh quá! Lúc phải chia tay bà để về thành phố, em lưu luyến mãi. Em ao ước hè tới sẽ được sống trọn ba tháng bên bà ngoại kính yêu.

ĐỀ 2: Hãy tả một người thân yêu và gần gũi nhất với em. (Ví dụ như chị gái của em).

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Người được miêu tả là ai? (Chị Thanh)

- Có quan hệ với em như thế nào? (Chị gái)

2. Thân bài:

* Tả chị:

+ Hình dáng bên ngoài:

- Độ tuổi.

- Tầm vóc, dáng người (thấp đậm hay mảnh mai...).

- Gương mặt (mắt, mũi, miệng). Mái tóc (nâu hay đen? dài hay ngắn?)

- Màu da (trắng trẻo hay ngăm ngăm?)

* Lưu ý: Chọn chi tiết nổi bật nhất, dễ nhớ nhất.

+ Tính nết:

- Giản dị, chân thật.

- Vui vẻ, dễ hoà đồng...

- Chăm chỉ, khéo léo...

- Dịu dàng, kiên nhẫn...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Yêu mến, gắn bó.

- Học được nhiều điều hay, điều tốt.

II. BÀI LÀM

- Hà đứng yên để chị tết tóc cho nhé! Xong rồi đấy! Đẹp chưa nào, cô bé?

Chị Thanh sáng nào cũng chải đầu cho em. Hai bàn tay chị mới nhẹ nhàng làm sao! Thoáng chốc, tóc em đã được tết gọn thành hai bím, buộc bằng hai chiếc nơ hồng xinh xinh.

Chị Thanh là chị gái của em. Năm nay, chị mười lăm tuổi, là học sinh lớp 9 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Du. Cũng bởi cái dáng cao gầy mà bạn bè cùng lớp đã đặt cho chị biệt danh là “Thanh kều”. Mái tóc chị Thanh dài đến ngang lưng và đen mướt. Nước da trắng trẻo, đôi mắt hiền dịu cùng nụ cười thân thiện tạo cho gương mặt chị một vẻ đẹp mộc mạc, dễ thương.

Nhiều năm liền, chị Thanh đạt được danh hiệu Học sinh xuất sắc. Môn chị học giỏi nhất là môn Văn. Chị ham đọc sách và thích tìm hiểu những điều kì thú trong thiên nhiên. Chị cũng là cây bút quen thuộc của tập san Tuổi hồng và Mực tím.

Mảnh vườn nhỏ trước nhà là thế giới riêng của chị. Chị trồng hoa hồng, hoa cúc, cẩm chướng, loa kèn, thuỷ trúc... và những bụi tóc tiên, dương xỉ xùm xoà dọc lối đi. Đôi tay khéo léo của chị đã tạo nên những bình hoa, giỏ hoa thật đẹp để trang trí cho phòng khách và bàn học, làm cho căn nhà nhỏ luôn rạng rỡ và đầy sức sống.

Nhờ có tính kiên nhẫn của chị Thanh mà em đã bỏ được nhiều tật xấu như ham chơi, lười học và hay ỷ lại. Chị ân cần khuyên nhủ, hướng dẫn em trong lúc học, lúc chơi. Chị thường bảo em rằng:

- Nhà mình nghèo, em chớ nên so sánh, đua đòi với các bạn con nhà giàu. Chị em mình hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi để làm vui lòng ông bà, cha mẹ. Cứ chăm học, chăm làm thì sau này tự mình sẽ làm nên tất cả.

Tuy chỉ hơn em vài tuổi nhưng chị Thanh tỏ ra “người lớn” hơn em nhiều lắm.

Em coi chị Thanh như người bạn thân thiết và đáng tin cậy. Có gì băn khoăn, thắc mắc em cũng hỏi chị và bao giờ cũng được giải đáp đến nơi đến chốn. Em học được từ chị gái của mình nhiều điều hay, điều tốt. Thấy chị Thanh được thầy cô và bạn bè yêu mến, em rất tự hào.

ĐỀ 3: Em hãy tả một bạn học của em.

1. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Tên của người bạn vui tính là gì? (Dũng)

- Quan hệ với em như thế nào?

Vừa là hàng xóm, vừa là bạn học từ nhỏ.

2. Thân bài:

* Tả bạn Dũng:

+ Ngoại hình: Tóc quăn, gương mặt bầu bĩnh, mắt đen tròn xoe, mũi hếch, miệng rộng, răng trắng đều. Nụ cười rất tươi.

+ Tính tình: Hiếu động, hay pha trò, có tài kể chuyện, đóng kịch, nghĩ ra. nhiều trò vui (bắt chước chim hót, thú kêu, nhào lộn...).

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Có bạn Dũng, chúng em rất vui. Cả lớp yêu mến Dũng.

- Cô giáo tặng Dũng danh hiệu “hoạt náo viên”.

II. BÀI LÀM

Em đang ngồi dưới gốc cây phượng, say mê đọc cuốn truyện Harry Potter thì chợt có bàn tay ai bịt chặt lấy mắt, kèm theo tiếng hú oà làm em giật mình. Tiếp theo là một chuỗi cười khanh khách, giòn tan. Nghe giọng cười quen thuộc, em nhận ra Dũng, người bạn vui tính nhất lớp em.

Dũng bằng tuổi em. Nhà hai đứa lại ở gần nên chơi thân với nhau từ hồi còn học mẫu giáo. Ở Dũng toát lên vẻ hóm hỉnh, hài hước rất dễ mến. Mái tóc quăn, gương mặt bầu bĩnh. Cặp mắt đen sáng lúc nào cũng mở lớn, tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười, phô hàm răng trắng bóng.

Dũng rất hiếu động, không lúc nào yên chân, yên tay. Giờ ra chơi, chỗ nào huyên náo nhất là chỗ đó có Dũng. Chúng em thích tụm năm, tụm ba nghe Dũng kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Dũng thường bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa, thuở bà ngoại tớ chưa sinh ra mẹ tớ...”. Mới nghe thế, chúng em đã thấy buồn cười không thể nhịn được. Đặc biệt, Dũng có một trí nhớ rất tốt. Những câu chuyện cười hay truyện ngụ ngôn qua lời Dũng kể thật sinh động và cuốn hút. Một mình Dũng đóng đủ các vai, mỗi vai một giọng khác nhau, kết hợp với điệu bộ khôi hài làm cho chúng em cười lăn lóc.

Dũng luôn luôn nghĩ ra những trò chơi thú vị. Bạn ấy thích cùng chúng em chơi trò trốn tìm hay bịt mắt bắt dê. Vừa chạy, Dũng vừa giả làm dê, kêu be be rất ngộ nghĩnh. Dũng trốn rất tài, chỉ nấp quanh quanh đâu đó nhưng khó tìm ra. Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, Dũng thường biểu diễn tiết mục bắt chước chim hót, ngựa hí và khỉ nhào lộn làm xiếc. Tiết mục của Dũng được hoan nghênh nhiệt liệt và gây những trận cười không dứt.

Không chỉ các bạn trai mà cả các bạn gái trong lớp cũng đều thích chơi với Dũng, bởi Dũng vui vẻ, tinh nghịch nhưng không bao giờ xúc phạm tới bạn bè. Em thích nhất ở Dũng là cái tính học ra học, chơi ra chơi.

Có Dũng, lớp em vui hơn nhiều. Cô giáo chủ nhiệm đặt cho bạn ấy danh hiệu “hoạt náo viên” của lớp, quả là không sai chút nào.