I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bằng giọng nhẹ nhàng, thong thả, thể hiện niềm xúc động của tác giả trước vẻ đẹp vừa hoang sơ, thơ mộng, vừa ấm cúng, thân thương của bức tranh cuộc sống vùng cao.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: khoảng trời, gió thoảng, mây trôi, ngút ngát, thác réo, ngân nga, soi, ngút ngàn, nguyên sơ, ráng chiều, lòng thung, triền rừng, hoang dã, người Tày, người Giáy, người Dao, thấp thoáng,...
II. Tóm tắt nội dung:
Ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống trên miền núi cao - nơi có thiên nhiên thơ mộng, khoáng đạt, trong lành cùng những con người chịu thương chịu khó, hăng say lao động làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
Nơi đây được gọi là “cổng trời” vì đó là một đèo cao giữa hai vách đá dựng đứng. Từ đỉnh đèo, ta có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, gió thổi, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
2. Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.
Từ cổng trời nhìn ra, qua màn sương khói huyền ảo là cả một không gian mênh mông, bất tận: những cánh rừng ngút ngàn cây lá, muôn vàn sắc màu của cỏ hoa, những vạt nương, những thung lũng lúa đã chín vàng màu mật đọng, khoảng trời bồng bềnh mây trôi, gió thổi... Xa xa kia là thác nước trắng xoá đổ xuống từ triền núi cao, vang vọng, ngân nga... như khúc nhạc của đất trời. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong soi bóng xuống mặt nước. Không gian nơi đây gợi vẻ nguyên sơ, bình yên như thể hàng ngàn năm nay vẫn thế, khiến cho ta có cảm giác như đang bước vào cõi mơ.
3. Trong những cảnh vật được miêu tả, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
Tuỳ theo cảm nhận của từng em nhưng phải giải thích được tại sao mình thích. Ví dụ, em thích cảnh thác nước trắng xoá đổ xuống triền núi cao như tấm lụa trắng vắt trên tấm thảm xanh ngắt của núi rừng, vang vọng ngân nga như khúc nhạc của đất trời.
4. Điều gì đã khiến cho cánh rừng sương giá như ấm lên?
Cảnh rừng miền núi cao hoang vu, sương giá như ấm lên bởi có sự xuất hiện của con người. Ai nấy tất bật, rộn ràng với công việc: người Tày từ khắp các ngả đi gặt lúa, trồng rau; người Giáy, người Dao đi tìm măng, hái nấm; tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã; những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều... Con người gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên. Hơi thở của cuộc sống lao động rộn ràng, vui tươi làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên ấm áp, xua tan cái lạnh giá của miền núi cao.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng bài thơ.
2/ Chuyển nội dung bài thơ Trước cổng trời thành một bài văn tả cảnh.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Quê em ở vùng cao Tây Bắc, trập trùng núi, trập trùng mây. Ngọn đèo có tên là Cổng Trời bởi đây là nơi cao nhất, tưởng chừng như lối lên trời. Giữa hai bên vách đá, mở ra một khoảng không gian bát ngát. Tiếng gió réo ù ù bên tai. Những đám mây trắng lãng đãng trôi về tận phương nào.
Từ đỉnh đèo nhìn ra xa, chúng ta sẽ thấy bao sắc màu rực rỡ của cỏ hoa, dệt nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ lưng chừng núi, ngọn thác ào lào đổ xuống, bọt tung trắng xoá. Con suối trong xanh soi bóng đàn dê đang thong dong gặm cỏ. Đi giữa bạt ngàn rừng núi hoang sơ, ta sẽ có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên huyền ảo bởi lớp sương chiều bốc lên mờ mờ như khói toả.
Dọc những triền đồi nhấp nhô là các thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau, trông xa như sóng lượn. Những vạt nương đã đến ngày thu hoạch vàng nâu như màu mật ong. Trong thung lũng, màu vàng của lúa chín tràn ngập khắp nơi. Trên những lối mòn từ bản vào rừng, rộn rã tiếng nhạc ngựa rung. Người Giáy, người Dao đeo gùi trên lưng, vào rừng tìm măng hái nấm. Những vạt áo chàm thấp thoáng nhuộm xanh cả nắng chiều. Tiếng gió thổi, tiếng suối reo, tiếng chim hót... tạo thành bản nhạc quen thuộc của vùng rừng núi quê em.