Câu 1. Lập dàn ý cho bài văn tả hoạt động của một bạn nhỏ hoặc một em bé ở tuổi tập đi, tập nói.
Gợi ý:
a) Em có thể tả một bạn cùng lớp, cùng phố, cùng làng hoặc một bạn em gặp ở nơi công cộng. Em bé ở tuổi tập đi, tập nói có thể là em trai, em gái của em (hoặc của bạn em), là con cô chú em hoặc là con, cháu của bác hàng xóm..
b) Khi tả, em có thể tả ngoại hình rồi tả hoạt động, cũng có thể kết hợp tả ngoại hình lẫn hoạt động nhưng phải chú trọng tả hoạt động là nội dung chính của bài.
c) Hoạt động của một bạn nhỏ có thể là: học tập, vui chơi, làm việc giúp đỡ gia đình,... Còn hoạt động của em bé ở tuổi tập đi, tập nói có thể là: tập đi, tập nói, ăn uống, chơi nghịch, làm nũng cha mẹ hay anh chị,...
* Tham khảo dàn ý dưới đây:
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Em bé tên là gì? Mấy tuổi? (Cu Khôi, gần một tuổi.)
- Con của ai? (Anh Hai, anh trai của em.)
2. Thân bài:
* Tả em bé:
- Hình dáng: Thân hình, mái tóc, gương mặt,...
- Tính nết: Hiếu động, vui vẻ, ngoan ngoãn...
- Hành động: Đang tập đi, tập nói...
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Yêu quý bé.
- Mong được dắt bé đi chơi công viên.
Câu 2. Dựa theo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn tả hoạt động của bạn nhỏ hoặc em bé.
* Tham khảo đoạn văn dưới đây:
“Cu Khôi ơi! Cố lên nào! Một, hai, ba...! Giỏi lắm, con trai mẹ giỏi lắm!”. Chị Hai sung sướng khi thấy con mình đã đi được ba bốn bước. Cu Khôi giơ hai tay ra phía trước như chờ người đón, chân loạng choạng chưa vững, thân hình lắc lư trông thật ngộ. Bé ào vào lòng mẹ, dúi đầu vào ngực mẹ rồi quay ra toét miệng cười với những người xung quanh đang reo hò, cổ vũ.
Cu Khôi là con đầu lòng của chị Hai. Bé mới được mười một tháng. Gương mặt bầu bĩnh, đôi má hồng hồng như màu táo chín, ai trông thấy cũng muốn hôn. Cặp mắt đen láy mở to dưới hàng mi dài cong vút. Mỗi khi bé cười, đôi môi tươi như cánh hồng hé nở, để lộ mấy chiếc răng sữa trắng muốt. Nụ cười hồn nhiên, thơ ngây của bé làm cho gương mặt của bé càng đáng yêu hơn.
Cu Khôi mới lẫm chẫm nên thích đi lắm. Nó thường nhoài khỏi lòng mẹ, vịn vào thành giường lần từng bước một. Mười ngón tay bụ bẫm bám chặt cho khỏi ngã. Có lúc, bé tự buông tay nhưng chỉ được vài bước, nó ngã ngồi xuống đất rồi lại loay hoay đứng dậy đi tiếp. Mọi người trong gia đình hồi hộp và thích thú theo dõi những bước đi chập chững đầu tiên của bé.