I. Nhận xét:
1. Tìm nghĩa ở cột B thích hợp với mỗi từ ở cột A:
A.Từ | B. Nghĩa |
Răng | a) Bộ phận ở hai bên đầu người và động vật, dùng để nghe. |
Mũi | b) Phần xương cứng, màu trắng, mọc trên hàm, dùng để cắn, giữ và nhai thức ăn. |
Tai | c) Bộ phận nhô lên ở giữa mặt người hoặc động vật có xương sống, dùng để thở và ngửi. |
Ghép nghĩa như sau là đúng: tai - nghĩa a; răng - nghĩa b; mũi - nghĩa c.
2. Nghĩa của các từ in đậm trong khổ thơ sau có gì khác nghĩa của chúng ở bài tập 1?
Răng của chiếc cào
Làm sao nhai được?
Mũi thuyền rẽ nước
Thì ngửi cái gì?
Cái ấm không nghe
Sao tai lại mọc ?...
- Răng cào dùng để cào cỏ, cào rơm, cào thóc... chứ không dùng để nhai thức ăn như răng của người.
- Mũi thuyền vát nhọn để rẽ nước cho thuyền lướt đi dễ dàng chứ không dùng để thở và ngửi.
- Tai ấm dùng để gắn chặt ấm với quai, giúp người ta cầm để rót nước được dễ dàng, chứ không dùng để nghe.
3. Nghĩa của các từ răng, mũi, tai ở bài 1 và bài 2 có gì giống nhau?
+ Nghĩa của từ răng, mũi, tai, ở bài tập 1 là nghĩa gốc, ở bài tập 2 là nghĩa chuyển.
+ Tuy vậy nhưng chúng có điểm giống nhau:
- Nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ răng có cùng nét nghĩa: cùng chỉ vật nhọn, sắc, sắp đều nhau thành hàng.
- Nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ mũi có cùng nét nghĩa: cùng chỉ bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước.
- Nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ tai có cùng nét nghĩa: cùng chỉ bộ phận gắn ở hai bên, chìa ra (giống như hai cái tai).
4. Thế nào là từ nhiều nghĩa?
Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau. Nhờ biết tạo ra những từ nhiều nghĩa từ nghĩa gốc, tiếng Việt trở nên hết sức phong phú.
II. Luyện tập:
Câu 1. Trong những câu nào, các từ mắt, chân, đầu mang nghĩa gốc và trong những câu nào, chúng mang nghĩa chuyển?
a) Mắt
- Đôi mắt của bé mở to.
- Quả na mở mắt.
- Từ mắt trong câu Đôi mắt của bé mở to mang nghĩa gốc.
- Từ mắt trong câu Quả na mở mắt mang nghĩa chuyển.
b) Chân
- Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
- Bé đau chân.
- Từ chân trong câu Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân mang nghĩa chuyển.
- Từ chân trong câu Bé đau chân mang nghĩa gốc.
c) Đầu
- Khi viết, em đừng ngoẹo đầu.
- Nước suối đầu nguồn rất trong.
- Từ đầu trong câu Khi viết, em đừng ngoẹo đầu mang nghĩa gốc.
- Từ đầu trong câu Nước suối đầu nguồn rất trong mang nghĩa chuyển.
Câu 2. Các từ chỉ bộ phận cơ thể người và động vật thường là từ nhiều nghĩa. Hãy tìm một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của những từ sau: lưỡi, miệng, cổ, tay, lưng.
- Lưỡi: lưỡi liềm, lưỡi hái, lưỡi dao, lưỡi cày, lưỡi lê, trăng lưỡi liềm, lưỡi gươm, lưỡi búa, lưỡi lửa đỏ rực...
- Miệng: miệng bát, miệng hũ, miệng bình, miệng hố, miệng núi lửa...
- Cổ: cổ chai, cổ lọ, cổ áo, cổ tay, cổ giày,...
- Tay: tay áo, đòn tay, tay quay, tay súng, tay vợt,...
- Lưng: lưng ghế, lưng đồi, lưng núi, lưng trời, lưng đê...