Câu 1. Trong các từ in đậm sau đây, những từ nào là từ đồng âm, những từ nào là từ nhiều nghĩa?
a) Chín
- Lúa ngoài đồng đã chín vàng.
- Tổ em có chín học sinh.
- Nghĩ cho chín rồi hãy nói.
- Trong câu 2, từ chín có nghĩa là số 9, là từ đồng âm (khác hẳn về nghĩa) với từ chín trong các câu 1 và 3.
- Từ chín trong các câu 1 và 3 là từ nhiều nghĩa (Lúa ngoài đồng đã chín → chín có nghĩa là đã đến lúc thu hoạch được./ Nghĩ cho chín rồi hãy nói → chín có nghĩa là đã suy nghĩ kĩ.)
b) Đường
- Bát chè này nhiều đường nên rất ngọt.
- Các chú công nhân đang chữa đường dây điện thoại.
- Ngoài đường, mọi người đã đi lại nhộn nhịp.
- Từ đường trong câu 1 là tên gọi chất kết tinh có vị ngọt, đồng âm khác nghĩa với từ đường trong các câu 2 và 3.
- Từ đường trong câu 2 có nghĩa là đường dây liên lạc (vật nối liền hai đầu).
- Từ đường trong câu 3 có nghĩa là con đường để mọi người đi lại.
c) Vạt
- Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung.
- Chú Tư lấy dao vạt nhọn đầu chiếc gậy tre.
- Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều.
- Từ vạt trong câu 1 (danh từ) có nghĩa là mảnh đất trồng trọt có bề ngang hẹp trải dài trên sườn đồi, sườn núi.
- Từ vạt trong câu 2 (động từ) có nghĩa là đẽo vát một đầu cho nhọn, là từ đồng âm với từ vạt trong các câu 1 và 3.
- Từ vạt trong câu 3 (danh từ) có nghĩa là thân áo.
Câu 2. Trong mỗi câu thơ, câu văn sau của Bác Hồ, từ xuân được dùng với nghĩa như thế nào?
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
- Từ xuân trong dòng thơ 1 (danh từ) mang nghĩa gốc, là tên của một mùa trong năm.
- Từ xuân trong dòng thơ 2 (tính từ) mang nghĩa chuyển, chỉ sự tươi đẹp, đầy sức sống.
b) Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, nghĩa là: “Người thọ 70 xưa nay hiếm”. (...) Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp.
Khi người ta đã ngoài 70 xuân... → Từ xuân (danh từ) được dùng với nghĩa chuyển, có nghĩa là tuổi, năm.
Câu 3. Dưới đây là một số tính từ và những nghĩa phổ biến của chúng:
a) Cao
- Có chiều cao lớn hơn mức bình thường.
- Có số lượng hoặc chất lượng hơn hẳn mức bình thường.
b) Nặng
- Có trọng lượng lớn hơn mức bình thường.
- Ở mức độ cao hơn, trầm trọng hơn mức bình thường.
c) Ngọt
- Có vị như vị của đường, mật.
- (Lời nói) nhẹ nhàng, dễ nghe.
- (Âm thanh) nghe êm tai.
Em hãy đặt câu để phân biệt các nghĩa của một trong những từ nói trên.
a. Cao
- Có chiều cao lớn hơn mức bình thường: Tháp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh rất cao.
- Có số lượng hoặc chất lượng hơn hẳn mức bình thường: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức ở khu triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.
b. Nặng
- Có trọng lượng lớn hơn mức bình thường: Bạn Nam mới mười tuổi mà đã nặng hơn 40 ki-lô.
- Ở mức độ cao hơn, trầm trọng hơn mức bình thường: Dòng sông Hồng chở nặng phù sa, bồi đắp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.
c. Ngọt
- Có vị như vị của đường, mật: Trái cam này ngọt thật!
- (Lời nói) nhẹ nhàng, dễ nghe: Nói ngọt lọt tận xương.
- (Âm thanh) nghe êm tai: Tiếng hát Mỹ Linh ngọt ngào, đằm thắm.