BÀI LÀM

Trong văn học nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, có những nhà thơ sáng tác không nhiều, tác phẩm để lại chỉ có một đôi bài nhưng sống mãi với thời gian. Trong thơ ca hiện đại, Thâm Tâm là một nhà thơ như thế. Người đọc ngày nay biết về Thâm Tâm hầu như qua một bài thơ, bài Tống biệt hành nhưng đó là một trong những bài thơ hay nhất trong thơ Việt Nam. Có thể nói bài thơ này, đoạn nào cũng hay, cũng có chỗ đặc sắc, chẳng hạn như khổ thơ cuối sau đây:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Tống biệt hành là bài Hành nói về chuyện tiễn đưa. Hành là thể thơ cổ của Trung Quốc có từ trước thơ Đường luật, thanh điệu phóng khoáng, ngay từ đầu đã tạo cho bài thơ của Thâm Tâm một ấn tượng vừa cổ kính, vừa bay bổng, vừa hùng tráng vừa lãng mạn. Qua những khổ thơ đầu, người đọc đã cảm nhận được cái buồn bã trong cuộc chia li này, một cuộc tiễn đưa mà hình như người ra đi không hẹn ngày trở lại. Người ra đi đang dần thân vào cuộc hành trình đơn độc vì một hoài bão lớn lao và cao đẹp nào đó. Không ai tiễn đưa người đi ngoài những người thân trong gia đình gồm có một mẹ già, hai người chị cùng với đứa em nhỏ còn ngây thơ. Thái độ của người đi trong cuộc chia li này là thái độ dửng dưng. Người đi là người tình cảm khô cạn không hề biết vướng bận trước những lưu luyến bình thường chăng? Không phải thế, trái lại, người ấy rất giàu tình cảm. Chính vì thế mà người ấy đã rất buồn, đã buồn rất lâu, buồn từ trước những ngày ra đi cho đến tận phút cuối cùng trước giờ ra đi. Làm sao mà người ấy không buồn trước một người mẹ già như thế, trước những dòng lệ thương xót của hai người chị như thế, trước nỗi thương tiếc của đứa em ngây thơ đôi mắt biếc như thế.

Như đã nhìn thấy nỗi buồn của người sắp ra đi, những người ở lại đã mong manh hi vọng rằng người ra đi có thể sẽ không ra đi. Nhưng, gạt nỗi buồn của mình, người đi đã dứt khoát ra đi. Cuộc chia tay thế là đã xảy ra, người ở lại chỉ còn biết trong vài theo người ra đi. Hình như nhà thơ đã thực sự ngỡ ngàng: cái chuyện đau đớn đến thế mà vẫn xảy ra! Một tiếng nói âm thầm bỗng cất lên trong lòng người ở lại:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực.

Hai tiếng "người đi” đầu tiên nổi lên như một nỗi hoài nghi, chuyển sang một ấn tượng có thật. Trong câu thơ mỗi tiếng đi rơi xuống như một hòn đá nặng đè xuống tâm hồn. Không còn nghi ngờ gì nữa: người li khách đã đi thật rồi! Con đường nhỏ thế mà người đi vẫn ra đi. Mẹ già thế, các chị buồn thế, những em nhỏ thương tiếc thế, mà người đi vẫn cứ ra đi. Chuyện ra đi mới đau đớn làm sao nhưng vì thế mà cũng cao thượng làm sao. Cái chí lớn của con người này lớn lắm, cái hoài bão của con người này cao đẹp và thiêng liêng lắm. Chỉ có thể người ra đi mới có thể ra đi như vậy.

Nếu trong câu thơ trên nhà thơ dành cho người ra đi thì sang ba câu tiếp theo nhà thơ dành cho những người ở lại:

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Đau đớn và buồn bã cho những con người ở lại lúc này. Mẹ già chỉ có một đứa con trai, hai chị chỉ có một đứa em trai, em nhỏ chỉ có một người anh trai. Đối với họ từ nay, sẽ có một khoảng trống trong cuộc sống không gì có thể lấp đầy được. Nhưng họ còn biết làm gì được nữa lúc này? Không một niềm yêu thương nào, không một giọt lệ nào, không một nỗi thương tiếc nào có thể níu kéo bước chân người đi ở lại. Chỉ còn một cách là cam chịu. Nhà thơ, trong tư cách một người thân, một người chứng kiến cuộc tiễn đưa, bỗng thấy lòng mình thật xót xa, thật thương cho những con người từ cuộc chia li này đang trở về. Nhà thơ muốn an ủi họ, nhưng an ủi bằng cách nào? Thôi thì hãy coi, thà coi người đi như một cái gì đó chẳng hệ trọng gì. Những câu thơ “mẹ thà coi như, chị thà coi như, em thà coi như" ngân lên, láy lại, nghe thật xao xuyến và buồn bã. Những hình ảnh so sánh cứ thu nhỏ dần trong hình khối và sức nặng: chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say. Chỉ còn có cách là tự an ủi như thế, người mẹ, người chị, đứa em may ra mới có thể chịu đựng được nỗi chia li này.

Nhưng nói “thà coi”, đó chỉ là một cách nói, một cách tự an ủi, không ai có thể thà coi như thế được. Mẹ nào có thể coi con như là chiếc lá bay, chị nào có thể coi em như hạt bụi, em nào có thể coi anh như hơi rượu say! Nỗi đau không gì có thể an ủi được. An ủi nỗi đau, thực chất nhà thơ diễn tả nỗi đau mênh mang, một nỗi mất mát không gì bù đắp được.

Trong thơ ca Việt Nam, không phải là không có những bài thơ nói về nỗi đau li biệt, Tống biệt hành của Thâm Tâm có nỗi đau riêng. Điều đặc biệt là, cùng với nỗi đau ấy, người đọc còn nhận được từ bài thơ những điều thật đẹp, thật cao thượng và hùng tráng. Một nỗi buồn như thế thật đáng cho người ta trân trọng. Có lẽ vì thế mà Tống biệt hành đã sống mãi với thời gian.