YÊU CẦU

- Đề yêu cầu bình giảng một đoạn thơ hiện đại, thơ lãng mạn.

- Bình giảng đoạn thơ phải nêu được quan hệ đoạn thơ với toàn bài.

- Chú ý khám phá các thủ pháp tượng trưng, tương phản.

- Phân tích ý tứ và tình cảm qua các hình ảnh, từ ngữ.

- Đối với những cách hiểu khác nhau, cần cân nhắc để có cách hiểu sát hơn với tác phẩm.

II- GỢI Ý LÀM BÀI

1. MỞ BÀI

Tràng giang là một bài thơ nổi tiếng không chỉ của Huy Cận mà còn của cả phong trào Thơ mới (1930 – 1945). Bài thơ gồm bốn khổ, đây là khổ cuối cùng. Tuy có bốn dòng thơ nhưng khổ thơ đã khái quát tấm lòng, khuynh hướng tư tưởng của nhà thơ cũng như bút pháp nghệ thuật của ông.

2. THÂN BÀI

Tràng giang là một nỗi buồn cô đơn, lạc lõng trước cảnh trời nước mênh mông, cao rộng bất tận, nhưng trống trải, hoang vắng, xa lạ, hững hờ và vô định. Toàn cảnh trời rộng sông dài tuyệt nhiên không có một bóng người, không có dấu vết của sự giao lưu thân mật, gần gũi: không một chuyến đò ngang, không cầu gợi chút niềm thân mật. “Không một chút ấm áp của sự sống” (Huy Cận). Tiếng chợ chiều xa xôi dường như cũng chỉ dội lên trong tâm tưởng. Khi nắng vừa tắt thì bầu trời, dòng sông càng trở nên cao sâu thăm thẳm và vắng lặng lạ thường:

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu.

Khổ thơ cuối cùng khắc họa lại cảnh tượng rực rỡ, hùng vĩ khi mặt trời xuống thấp, hắt ánh sáng lên các lớp mây cao cuồn cuộn đùn ra như những núi bạc:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.

Tác giả rất thích chữ đùn, tả mây như có sức đẩy ở bên trong, cứ trôi ra hết lớp này đến lớp khác.

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Ba chữ “bóng chiều sa” là chiếu liên hệ với những núi bạc đùn lên ở câu trên, còn cái dáng “chim nghiêng cánh nhỏ" tương phản với lớp lớp núi bạc càng trở nên nhỏ nhoi, cô độc. Cánh chim với bóng chiều cũng gợi về tổ ấm, mở ra ý tiếp của hai câu sau: Con người khát khao tìm về quê nhà.

Lòng quê có người hiểu là lòng riêng, tấm lòng mộc mạc, nhưng cũng nhiều người hiểu là lòng nhớ quê hương, do dịch từ chữ “hương tâm”, đặt vào đây cũng hợp. Cụm từ “dợn dợn vời con nước” thường chưa được giải thích rõ. Tác giả thích chữ dợn dợn, mà phiền lòng khi nghe đọc nhầm, in nhầm thành dờn dợn, hay rờn rợn. Có người lại nghĩ “rờn rợn”, “dờn dợn” hay “dợn dợn” thì cũng thế, vì sự cảm nhận đều thấy có sự rờn rợn, trước cái vô cùng, vô biên, vô định của bầu trời, mặt nước, vũ trụ, kể cũng là một cách nghĩ. Song ở đây, có lẽ tác giả có lí của mình. Thực vậy, “dợn” là từ chỉ mặt nước chuyển động uốn lên uốn xuống rất nhẹ khi bị xao động. Ta nói sóng gợn, mặt hồ dợn sóng. Ở câu này, lòng nhớ quê hương bỗng dợn lên như sóng nơi tâm hồn, khi phóng tầm mắt nhìn (vời trông) ra con nước mênh mông, nhưng không phải chỉ dợn lên một lần rồi thôi, mà là “dợn dợn” – nghĩa là xao động liên tục, cũng không phải “dờn dợn”- hơi xao động, xao động mức độ thấp (xem Ngữ pháp tiếng Việt, 1983). Chính vì vậy mà Huy Cận nói “đọc sai, in thành dờn dợn như thế chẳng có ý nghĩa gì”. Hiểu là “rờn rợn” (sợ hãi, rợn ngợp) lại cũng không thích hợp.

Tóm lại, lòng nhớ quê hương cứ dợn mãi lên trong tâm hồn trước cảnh sông nước hoang vắng đìu hiu, trống trải. Và nhà thơ kết thúc bài thơ: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Viết câu thơ này chứng tỏ Huy Cận biết trước mình đã có câu thơ Thôi Hiệu và không muốn lặp lại nhà thơ xưa. Người Việt Nam yêu thơ Đường hẳn đều còn nhớ câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu do Tản Đà dịch: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Nhiều người, kể cả bản thân nhà thơ, đọc câu kết này đều quả quyết rằng Huy Cận buồn hơn Thôi Hiệu. Ai buồn hơn ai thật khó mà xác định được! Điều quan trọng là Huy Cận muốn nói một cách khác, một ý khác. Xưa Thôi Hiệu buồn vì cõi tiên mờ mịt, quê nhà cách xa. Khói sóng trên sông gợi lên cảnh mờ mịt mà sầu. Nay Huy Cận buồn trước không gian hoang vắng, sóng gợn tràng giang, không một chút ấm áp của sự sống. Ông nhớ tới nhà, tới quê như một nguồn ấm áp giữa cuộc đời. Xưa Thôi Hiệu tìm viếng giấc mơ tiên, chỉ thấy hư vô, lòng khát khao tìm về quê nhà thực tại. Nay Huy Cận một mình đối diện với không gian hoang vắng vô tình, dợn lên nỗi khát khao quê nhà ấm áp. Một đàng nhấn mạnh ý thức về đời thực, một dàng nhấn mạnh ý thức về tình người.

3. KẾT BÀI

Bao nhiêu năm trôi qua mà vẻ đẹp và nỗi buồn của Tràng giang vẫn ám ảnh người đọc. Bài thơ mãi mãi thức tỉnh lòng hướng về quê hương tình người ấm áp của chúng ta.