BÀI LÀM

Ngày 12-12-1931, bọn thực dân tiến hành đợt hai của kế hoạch bắt tù nhân lên Đắc Pao làm đường. Tên đội Mu-léc đem sổ vào kêu mọi người đi làm, trừ 40 người có tên ở lại. Anh em hiểu ý ngay ý đồ thâm độc của bọn thực dân nên đồng thanh la hét nhất định không đi. Người đứng đầu đổi đáp với Mu-léc là Nguyễn Lung, số hiệu 299. Mu-léc ra về báo tin cho công sứ và giám binh. Lát sau lính tráng rầm rộ kéo đến. Anh em sắp hàng đứng trước cửa lạo hô to khẩu hiệu phản đối đi Đắc Pếch. Người đứng đầu hàng là Trương Quang Trọng, số hiệu 303. Khi tên đội Mu-léc hỏi số tù 299, Trương Quang Trọng nhận ngay và chết thay cho bạn. Cái chết của Trương Quang Trọng đã tiếp thêm sức mạnh cho mọi người tiếp tục cuộc đấu tranh, dù bị kẻ thù đàn áp rất dã man.

Gây ấn tượng mạnh trong đoạn trích là cuộc đối đầu nảy lửa giữa Trương Quang Trọng và Mu-léc. Mu-léc là một tên thực dân cáo già hết sức tàn ác. Hắn để ý đến Nguyễn Lung vì thấy anh là người hắng hái đối đáp, hô to khẩu hiệu, cổ vũ tù nhân kiên cường tranh đấu. Mu-léc quyết diệt bằng được Nguyễn Lung mà hắn cho là kẻ chủ trì cuộc phản đối. Vì thế khi quay lại nhà ngục lần thứ hai, Mu-léc tìm ngay “thằng 299” (số tù của Lung). Người đứng ngay hàng đầu nhận số tù ấy lại chính là Trương Quang Trọng. Anh hiểu rõ người cần hơn cả cho anh em bây giờ, người có khả năng tập hợp, động viên anh em quyết tâm chiến đấu đến cùng là Nguyễn Lung. Chính vì thế trong cuộc đối đầu với Mu-léc, Trương Quang Trọng đã nhận mình là số tù 299 để chết thay cho bạn. Với sự gan dạ, can đảm, không sợ hệ sinh như thế, trong cuộc đối đầu này, Trương Quang Trọng đã là người anh hùng chiến thắng.

Tiêu biểu cho văn bản Cuộc đấu tranh lưu huyết 12-12-1931 là một đoạn văn rất ngắn:

“Khi Trọng ngã, anh em ở sau tiến lên, vừa tiến vừa hộ khẩu hiệu phản đối, một tiếng súng thứ hai vừa ra, người thứ hai ngã, người sau lại tiến lên, hô to mấy khẩu hiệu, dũng cảm đương đầu với súng đạn”.

Tên đội Mu-léc tưởng rằng giết chết được “thằng 299” (người mà hắn cho là kẻ chủ trì cuộc phản đối) thì sẽ đè bẹp được tinh thần phản kháng của tù nhân, dễ dàng lừa họ lên xe, chở thẳng đi Đắc Pao. Nhưng hắn không thể ngờ người nhận ngay số tù ấy và cũng nhận lấy cái chết mà không hề do dự là Trương Quang Trọng. Hắn càng không thể ngờ cái chết của Trọng không hề làm cho tù nhân run sợ, khiếp đảm, trái lại, họ càng thêm căm thù bọn giặc dã man, càng quyết tâm noi gương Trương Quang Trong chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh. Đấy chính là phản ứng dây chuyền hết sức dữ dội. Sự hi sinh của người này tiếp thêm sức mạnh cho người kia, người trước ngã người sau tiến lên “vừa tiến vừa hô khẩu hiệu phản đối... người thứ hai ngã, người sau lại tiến lên...” Chỉ qua một đoạn văn rất ngắn (một câu văn) người ta đã thấy rõ bản lĩnh kiên cường, tỉnh thần thép của người chiến sĩ cách mạng, chính tinh thần thép ấy là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Đọc đoạn trích (Cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12-12-1931) ta có cảm giác đằng sau mỗi dòng chữ luôn hiện lên ánh mắt của tác giả Lê Văn Hiến, người chứng kiến nhưng cũng là người trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh đó. Đấy là ánh mắt uất hận, căm hờn khi chứng kiến bọn thực dân đàn áp rất dã man những người tù ốm yếu, tay không vũ khí, là ánh mắt khinh bỉ, coi thường khi thấy sự hèn nhát của chúng được che đậy bằng vẻ ngoài hùng hổ. Đây còn là ánh mắt của những người cùng chung một chiến hào tranh đấu, ánh mắt xót xa, thương cảm khi thấy đồng đội bị bọn giặc đê hèn sát hại, ánh mắt cảm phục, tự hào khi thấy đồng đội người trước ngã người sau tiến lên dũng cảm đương đầu với súng đạn, cho kẻ thù biết rõ thế nào là sức mạnh ý chí kiên cường, không sợ hi sinh của những người cách mạng, một sức mạnh khiến kẻ thù phải khiếp sợ.