BÀI LÀM

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Xuân Diệu có tài cảm nhận tinh tế được bước đi của thời gian, đồng thời tự biến mình thành chiếc cầu nối giao cảm trực tiếp và linh diệu nhất đến với những ai tiếp nhận thơ ông.

Đây mùa thu tới là một bài thơ hay của Xuân Diệu. Rất nhiều người có niềm xúc cảm về khoảnh khắc trời đất chuyển mùa, song để viết được những lời thơ như Đây mùa thu tới thì chỉ có Xuân Diệu.

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Xưa nay, viết về liễu cũng nhiều, đặc biệt trong thơ cổ Đường Tống, vì vậy không thể nói đây là một khám phá hình tượng văn học mới mẻ. Mặc dù vậy, ta vẫn cảm nhận được nét khác biệt, đặc thù của liễu trong Đây mùa thu tới, trong dáng đứng chịu tang, những chiếc lá rủ xuống, yếu ớt như hàng ngàn dòng lệ tuôn rơi. Rõ ràng, ở đây “liễu” mang dáng dấp của người thiếu nữ thanh xuân đang cúi đầu ủ rũ chịu tang (cha, mẹ... và có thể người yêu). Xuân Diệu đã dùng bút pháp nhân hóa đưa liễu lên ngang tầm với người. Có hình dáng (tóc), hành động (đứng chịu tang) và có tâm hồn (buồn). Hơi hướng ảm đạm “đìu hiu” hướng cho ta thấy chiều sâu phát triển bài thơ sẽ đi theo dòng không khí này.

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

“Hơn một loài hoa” có nghĩa là một số loài nhưng chưa thể gọi là nhiều (Đây là cách nói của người Pháp). “Sắc đỏ rũa màu xanh” cũng là cách nói Pháp. Sắc đỏ rũa màu xanh có thể hiểu là màu đỏ lấn dần màu xanh. Vì thế, khi thơ Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn có người kêu thơ ông “Tây” quá không phải không có cơ sở. Lấy ví dụ như “Hơn một” và “rủa” ở hai câu thơ trên.

Thực ra ở Việt Nam, vào mùa thu, màu lá đỏ chỉ đúng với vài loài cây như bàng còn thường thì màu vàng. Vậy thì tại sao Xuân Diệu lại chọn “sắc đỏ rũa màu xanh”? Phải chăng, để gây ấn tượng cao độ màu sắc cũng cần một sự tương phản gay gắt nên ông đã chọn đỏ đối chọi xanh? Cần phải nói rằng đây là một cách diễn đạt mới, táo bạo mà rất hay, rất đáng hoàn nghênh, tiếp nhận ở Xuân Diệu.

Sự li tán, xa cách thể hiện rất rõ qua từ “rụng” và “rũa” Xuân Diệu quan sát khu vườn với một thái độ tỉ mỉ: những bông hoa cuối mùa đang dần bứt khỏi nguồn sống để lại những cành cây trơ trụi, những chiếc lá mới đây thôi còn xanh vậy mà đang úa lần hồi. Quang cảnh khu vườn chỉ vào độ chớm thu mà đã rất đậm chất thu.

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh

Dưới mắt Xuân Diệu, bây giờ, gió không chỉ đơn thuần ném một cái lạnh vào mọi vật mà chính nó cũng tự cảm thấy lạnh, lạnh đến nỗi “run rẩy” cùng lúc cái rét của gió lan tỏa vào lá làm lá rùng mình có lại nên “rung rinh”. Chính cái giao cảm linh diệu với đất trời đã giúp Xuân Diệu khám phá ra phần hồn tiềm ẩn tưởng như phi thực này trong gió và lá. Có ý kiến cho rằng: sự di chuyển của gió đã tác động và tạo cho lá ở trạng thái rung rinh. Dĩ nhiên không sai, nhưng thiết nghĩ đối với thơ Xuân Diệu mà hiểu thế thì hời hợt quá, từ đó đánh mất giá trị cao nhất của nghệ thuật thơ vốn dĩ rất giàu trong ông. Liên kết với câu dưới sẽ thấy trọng tâm của cấu thơ là sự rét mướt chứ không phải là sự chuyển động của thiên nhiên.

Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh

Hằn lên trên nền trời lạnh lẽo, u ám một vài cành cây “khô gầy”, mỏng manh. Xuân Diệu rất điêu luyện khi chọn từ: nếu ở câu 6 từ “rũa” có tính hàm súc cao, chỉ duy nhất một âm tiết mà như diễn ra trước mắt người đọc cả một quá trình đỏ hóa của chiếc lá, thì ở đây những từ gợi nét “khô gầy, xương mỏng manh” lại lột tả hoàn hảo vẻ ngoại hình lẫn nội chất của cây cối vào đầu thu. Chính sự gầy gò “mỏng manh” trơ trọi ấy mà “Xuân Diệu đã tạo được cái rét thấu xương, tê tái đến từng nhánh” (Vũ Quần Phương).

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Xuân Diệu phát huy hầu hết các giác quan con người để cảm nhận mùa thu: trực giác, thị giác và thính giác. Cố nhiên gió là phải rét nhưng ở đây “rét” lại “luồn” vào trú ẩn trong gió. Rõ ràng Xuân Diệu đã chia “gió” và “rét” là hai thực thể riêng biệt, biết hành động (luồn) và ông đang nghe âm thanh siêu vi phát ra từ sự hoạt động này. Tất cả đều mới lạ, có vẻ ngược đời đã làm người đọc phải “à” lên kinh ngạc, thán phục năng lực giao cảm tinh tế và nghệ thuật dùng từ (nghe, luồn) của ông. Cái rét tới làm tê tái thiên nhiên, bây giờ tác động mạnh đến con người.

Đã vắng người sang những chuyến đò

Vẻ quạnh quẽ, đìu hiu, vắng vẻ ở câu thơ này có nét tương đồng với:

Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách

Con đò gối bãi suốt ngày ngơi

(Bến đò xuân đầu trại- Nguyễn Trãi)

Bảy câu thơ trên tô đậm một không gian buồn vắng lạnh lẽo đang được nối tiếp bởi nỗi buồn bâng khuâng của “ít nhiều thiếu nữ". Nỗi buồn vô cớ man mác tự đất trời chuyển đổi, tự giây phút giao mùa không lý giải được, “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Một dáng đứng tựa cửa, một ánh nhìn sâu hút trong khoảng không gian vời vợi gợi mở một tâm trạng buồn không xác định duyên cớ.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì

Đây mùa thu tới bắt đầu từ hình ảnh “rặng liễu” toát lên dáng dấp người thiếu nữ buồn và kết thúc bằng hình tượng thiếu nữ buồn đích thực, tồn tại, cụ thể. Con người cuối bài cũng là một nét cảnh quan nhưng là cảnh quan cao nhất, cảnh quan biết cảm thụ được tất cả cái vắng lạnh, buồn tẻ từ các cảnh quan khác đưa tới mà buồn. Tác giả chấm hết bài thơ một cách rất “ngỏ”. Chỉ thế thôi: một tư thế lặng lẽ buồn, một tâm trạng kín đáo chìm đắm trong suy tưởng, không thêm một chút hé gọi. Thiếu nữ nghĩ gì nhỉ? Đó là điều còn nằm sau cánh cửa, mở được hay không và mở bằng cách nào còn tùy thuộc vào tầm liên tưởng cảm thức riêng của người đọc.