TÌM HIỂU ĐỀ

+ Tống biệt hành, như nhận xét của Hoài Thanh, là “đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Một trong những điểm tạo nên nét bảng khuâng ấy là tâm trạng Li khách. Tâm trạng đầy mâu thuẫn với những uẩn khúc không dễ tỏ bày. Phải phân tích được tính chất mâu thuẫn ấy mới thấy được vẻ uẩn khúc của tâm trạng nhân vật.

+ Phân tích được những phương tiện nghệ thuật đã giúp Thâm Tâm thể hiện được tâm trạng này. Chẳng hạn lợi thế của thể hành, biện pháp đối xứng trong tổ chức hình tượng, đối chọi tương phản trong tổ chức lời thơ v.v...

Để làm tốt đề này cần lưu ý mấy điều sau:

+ Phân tích nhân vật “Li khách” trong mối tương quan với các nhân vật khác trong bài thơ. Cụ thể là với những người thân trong gia đình (mẹ, chị, em) – nghĩa là với gia cảnh nặng nề, và với người tri kỉ (kẻ đưa tiễn - tác giả của bài thơ). Qua đó thấy được những nỗi niềm, những xúc cảm chất chứa trong tâm trạng “Li khách”.

+ Phân tích cách ứng xử kì lạ của Li khách: dáng điệu đầy mâu thuẫn, giọng điệu khó hiểu, những hình ảnh cũng đầy uẩn khúc...

+ Có thể so sánh với những bài thơ khác thuộc đề tài chia li tiễn biệt để dễ làm nổi bật vẻ riêng của bài thơ và tâm trạng lạ lùng của Li khách.

DÀN BÀI

I- MỞ BÀI

+ Giới thiệu vắn tắt về tác giả Thâm Tâm và vị trí của bài thơ “Tống biệt hành” trong sự nghiệp sáng tác của ông cũng như nét độc đáo của thi phẩm này trong phong trào Thơ mới đương thời.

+ Xác định vị trí của nhân vật Li khách và tâm trạng khó hiểu của anh ta trong bài thơ.

II- THÂN BÀI

a) Tâm trạng của Li khách:

+ Phân tích gia cảnh nặng nề của Li khách: Mẹ đã già, hai chị luống tuổi muộn chồng, em bé dại.

+ Tâm trạng của Li khách là sự giằng xé giữa bổn phận (với gia đình) và khát vọng (của cá nhân mình), hay chính là sự giằng co giữa chí lớn và tình nặng.

+ Lối ứng xử độc đáo khó hiểu của Li khách: Bên ngoài tỏ ra dửng dưng, lạnh lùng, kiêu bạc, bất cần; bên trong lại quyến luyến, buồn phiền, đau khổ. Nghĩa là dùng lí trí và ý chí để kiềm chế, cưỡng chế tình cảm. Đồng thời che giấu tình cảm thật, cũng là vượt lên những mềm yếu của con người trong hoàn cảnh giã từ.

+ Lí giải về tâm trạng “kì cục” đó: vừa là cuộc chia tay đặc thù của thời Thơ mới - ấy là cái tôi đang tách khỏi cái ta, vừa là cuộc ra đi muôn thuở của những trang nam nhi ôm mộng lớn, theo đuổi nghiệp lớn, lí tưởng lớn.

b) Nghệ thuật diễn tả tâm trạng:

+ Xây dựng hình tượng theo nguyên tắc tương phản: Tương phản giữa người và cảnh, và tương phản ngay trong con người: giữa bề ngoài và nội tâm.

+ Tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc tương xứng: tạo thành những cặp, những vế với sự đối xứng đa dạng.

+ Kết hợp giọng trữ tình: sự hòa giọng của tác giả nhập vai vào nhân vật Li khách, lời diễn tả nhập vào lời độc thoại của nhân vật để nói lên những tâm tưởng khó tỏ bày và đầy dằn vặt đau đớn.

+ Những hình ảnh chắt lọc thể hiện những giải pháp cực chẳng đã, bất đắc dĩ đầy đau đớn của Li khách: chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say.

III- KẾT BÀI.

+ Khẳng định vẻ đẹp độc đáo của li khách.

+ Khẳng định đóng góp của Thâm Tâm vào một đề tài quen thuộc, đóng góp tiếng thơ đáng quý cho phong trào Thơ mới.