BÀI LÀM

Xuân Diệu là con một ông tủ kép (đỗ tú tài Hán học hai lần). Vì thế ông có điều kiện tiếp xúc và sớm hiểu biết văn chương cổ điển. Từ mười ba, mười bốn tuổi, ông đã tập làm đủ mọi thứ thể loại văn chương truyền thống như lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, các loại từ khúc cổ điển, văn biền ngẫu, dịch thơ Đường, làm thơ vịnh sử, sáng tác phỏng theo những bài văn thơ nổi tiếng của Tản Đà, Trần Tuấn Khải,... Nhưng Xuân Diệu đồng thời là một trí thức Tây học. Với sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân. Ông tìm đến thơ ca hiện đại của Pháp khả năng diễn tả chân thật lòng mình. Nhưng sự cách tân thơ của ông vẫn có gốc rễ sâu trong thơ ca truyền thống. Vì thế Hoài Thanh nhận thấy, sau một thời gian ngạc nhiên trước những cách tân mới lạ, có vẻ rất phương Tây của Xuân Diệu “một cái gì rất Việt Nam” (Thi nhân Việt Nam).

Đối với thơ ca Pháp, ông đặc biệt chịu ảnh hưởng của trường thơ tượng trưng, đặc biệt là Bo-dơ-le (Baudelaire). Trường thơ này ra đời từ khoảng giữa thế kỉ XIX. Cơ sở nhận thức luận của nó là chủ nghĩa trực giác của Béc xông (Bergson). Những cây bút thuộc trường phái này quan niệm thế giới hữu hình không phải là bản thể của thế giới. Bản thể của thế giới vô hình. Thơ ca phải phản ánh được cái bản thể vô hình ấy bằng trực giác đặc biệt của thi sĩ. Vì thế các nhà thơ tượng trưng mài sắc các giác quan để cảm nhận và diễn tả những biến thái tinh vi nhất, huyền ảo nhất, thậm chí vô hình của thế giới và lòng người. Để đạt được như vậy, thơ tượng trưng hết sức đề cao quan hệ tương giao giữa các giác quan và tính nhạc của thơ và đã đưa thơ Pháp tiến lên một bước mới. Xuân Diệu đã có nhiều thành công trong việc vận dụng kinh nghiệm của trường phái thơ này.

Trường thơ tượng trưng Pháp đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thì đi dần đến chủ nghĩa siêu hình, thần bí, tiêu biểu là Man-lac-mê (Mallarmé). Nhà thơ này có nhiều ảnh hưởng đối với Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh,... Nhưng Xuân Diệu thì dứt khoát khước từ. Vì ông vẫn nhất quán với tư tưởng của mình: Nhà thơ của niềm giao cảm với đời.