DÀN BÀI

- Chiều tối là một trong những bài thơ hay của Hồ Chí Minh rút từ tập Nhật kí trong tù.

- Bài thơ được viết trên hành trình bị áp giải, không gian và thời gian, cảnh vật đặc biệt nên gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ, cảm xúc.

1. Mở đầu bài thơ, không gian và thời gian thoạt nhìn tưởng như cũ và ước lệ thường thấy trong thơ xưa. Buổi chiều, sắp chuyển vào đêm, một bầu trời xuống thấp, mây lơ lửng lại điểm vào cánh chim mỏi đang “về rừng tìm chốn ngủ” nhưng đây chính là cách để tác giả thể hiện cái thực của chính người tù bị áp giải, mang nỗi nhớ quê.

Cảnh buồn phù hợp với tâm sự của nhà thơ đang bị áp giải, mệt mỏi, nơi đất khách quê người. Cái mới là sự cảm nhận thiên nhiên của người tù, không rơi vào tình trạng bi quan.

2. Hai câu thơ sau là một tương phản, là một chuyển động mang hồn sự sống, hướng về ánh sáng.

Một không khí tươi vui hiện lên qua hình ảnh thiếu nữ xay ngô tối bên cạnh “lò than đã rực hồng”. Hình ảnh thiếu nữ gợi vẻ đẹp của những cô gái miền rừng khỏe khoắn, đẹp, miệt mài với công việc. Lò than rực hồng là cách dùng ánh sáng để đối lập bóng tối, làm con người và cảnh vật bớt vẻ buồn, hiu quạnh.

3. Bài thơ giàu chất họa, tưởng như trước mắt ta một khung cảnh về đêm sinh động hiện ra. Hoàng Trung Thông cho đây là hình ảnh đẹp, là “thi nhãn”.

4. Bài thơ toát lên vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Trong trạng thái bị áp giải, chịu đau đớn về thể chất vẫn vươn lên trên cảnh ngộ riêng để cảm nhận sự sống. Đó cũng là biểu hiện của tinh thần lạc quan, của sự đồng cảm với xung quanh.

- Quên nỗi bất hạnh của riêng mình, nhà thơ vui cùng niềm vui nho nhỏ đời thường, với hình ảnh nơi xóm núi. Đây cũng là cách nhìn vận động trong tình cảm với tư tưởng của người tù - thi sĩ. Bài thơ cũng toát lên chất nhân đạo cao quý.

- Bài thơ chỉ có bốn câu mà hiện lên một bức tranh có cảnh vật, con người, có không gian – thời gian, có sáng - tối, động - tĩnh. Ở đó, con người là chủ thể trung tâm. Đây là đặc điểm trong bút pháp Hồ Chí Minh.

- Bài thơ dùng những hình ảnh có tính ước lệ nhưng để diễn tả một cảnh huống đặc biệt có thật nên xúc động và mang nội dung mới vì nó gắn với tình cảm và tâm trạng của nhà thơ.