HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Đọc Nhật kí trong tù ta gặp một tấm lòng yêu thương mênh mông, một ý chí chiến sĩ kiên cường và ta cũng gặp ở đây một nỗi lòng vời vợi với tự do. Đó là nỗi lòng của một con người cảm nhận cay đắng vì mất tự do. Nhưng đồng thời cũng là một con người hiểu được tự do hơn ai hết, con người thấy mình tự do ngay cả khi ở tù.

2.1. Những tháng ngày bị tù đày, Hồ Chí Minh phải chịu đựng bao nhiêu đọa đày về tinh thần cũng như thể xác. Đó là những tháng ngày “ăn không no”:

Mỗi bữa lót lòng lưng cơm đỏ

Không muối, không canh, cũng chẳng cà

(Cơm tù)

ngủ không yên:

Đêm thu không đệm, cũng không chăn

Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an

(Đêm lạnh)

Đó là những tháng ngày đọa đày con người đến nỗi “răng rụng mất một chiếc, tóc bạc thêm mấy phần, gầy đen như quỷ đói, ghẻ lở mọc đầy thân”... Đó là những tháng ngày mà đến một người như Hồ Chí Minh cũng phải cay đắng nhắc lại lời người xưa với một trải nghiệm đầy đau đớn và thấm thía: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài, lời nói người xưa đâu có sai”. Hồ Chí Minh gọi đó là những năm tháng “sống khác loài người”... Về phương diện này, Nhật kí trong tù là một bức tranh hiện thực.

Trong muôn vàn nỗi cay đắng đó đối với Hồ Chí Minh không gì cay đắng bằng mất tự do. Người nhận ra:

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do.

Vì sao “cay đắng nhất là mất tự do”? Mất tự do là mất tất cả. Mất tự do khiến cho người ta nhiều khi phải rơi vào cảnh thật trớ trêu:

Cửa tù khi mở không đau bụng

Đau bụng lại không mở cửa tù

Mất tự do là mất đi cuộc sống bình thường của con người. Vì mất tự do mà bao nhiêu vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời bỗng trở thành nỗi khát khao da diết:

Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.

Nhưng có lẽ với Hồ Chí Minh cay đắng nhất là vì mất tự do mà đành dang dở việc cứu nước. Khát vọng của Người, ước nguyện của Người là giải phóng Đất Nước khỏi đọa đày đau khổ. Vậy mà bây giờ lại ở trong chốn lao tù. Cho nên nhiều khi Người đã xót xa thốt lên:

Xót mình giam hãm trong tù ngục

Chưa được xông ra giữa trận tiền

Càng đắng cay vì mất tự do, chúng ta hiểu lòng Người càng khát khao tự do như thế nào. Đã bao nhiêu lần thơ Người vang lên hai chữ “tự do” ấy. Đó là lúc Người nhận ra:

Năm ngoái đầu thu ta tự do

Năm nay thu đến ta trong tù.

Đó là một ngày Thanh minh lất phất mưa phùn, lòng Người xót thân mình tù hãm, không biết tìm tự do ở chốn nào. Câu thơ Người thấm một nỗi xót xa:

Thanh minh lất phất mưa phùn,

Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa,

Tự do thử hỏi đâu là,

Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường.

Với Người, tự do là nỗi khát khao thiết tha nhất

Thân tù đâu thiết thu sang chửa

Chỉ nghĩ hôm nao mở cửa từ

(Thu cảm)

Với Người, làm thơ cũng là để đợi tự do:

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do

Mất tự do, khát khao tự do. Đó là một tâm trạng, là một sự thật trong Nhật kí trong tù.

2.2. Nhưng Nhật kí trong tù còn có một sự thật khác nữa. Có một Hồ Chí Minh cảm thấy mình là khách tự do, là khách tiên trong chốn lao tù.

Điều này mới nghe qua tưởng như là vô lí, nhưng đó lại là một sự thật. Đúng như vậy, bởi vì nhà tù của Tưởng Giới Thạch chỉ có thể giam cầm Người về thể xác, chứ không thể giam cầm Người về tinh thần. Cho nên “thân thể ở trong lao”, mà “tinh thần ở ngoài lao”. Nhiều lần Người đã khẳng định mình là khách tự do thật sự.

Mới vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, nhìn những đám mây xua đuổi nhau trên trời, Người nhận ra:

Mây mưa, mây tạnh bay đi hết

Còn lại trong tù khách tự do.

Không chỉ xem mình là khách tự do mà Người còn xem mình là khách tiên giữa chốn trần gian.

Hai giờ ngục mở thông hơi

Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do

Tự do tiên khách trên trời

Biết chăng trong ngục có người khách tiên,

Có lúc ta tưởng tự do đã đến với Người thật sự chứ không chỉ là ví von, là cách nói. Chẳng hạn ở bài Ngắm trăng ta thấy không còn nhà tù, xiềng xích mà chỉ còn sự giao hòa tuyệt vời giữa thi nhân và vầng trăng muốn đời như là một sự tự do tuyệt đối:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Đạt được tự do tuyệt đối như thế có lẽ không chỉ là “nói cho vui”, mà bộc lộ một phong cách sống, một phong thái ung dung trong mọi hoàn cảnh. Đó là cái tự do của một bậc hiền triết lòng chẳng mảy may vướng chút bụi trần, đồng thời lại là cái tự do của người cách mạng khi làm chủ được hoàn cảnh. Nhiều ý kiến khi nói đến nội dung tự do này, thường cho rằng Nhật kí trong tù có "nhiều cuộc vượt ngục tinh thần”. Tự do trong Nhật kí trong tù, có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hơn. Nói vượt ngục tinh thần thì vẫn cố nhà tù. Còn tự do tinh thần của Hồ Chí Minh thì không còn nhà tù, dây trói, xiềng xích nữa, mà chỉ còn vẻ đẹp lồng lộng của một khách tự do, một khách tiên. Có thấy như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao khi Người “mặc dù bị trói chân tay” mà vẫn nghe được, cảm nhận được “chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”, dù bị giải đi sớm mà vẫn cảm nhận được chất thơ của trời đất nơi một vầng trăng, một chòm sao, một đỉnh núi mùa thu. Đó là tự do của một nhân cách vĩ đại, một bản lĩnh phi thường, bản lĩnh Hồ Chí Minh,

3. Dù bị giam hãm trong ngục tù, mà trước sau Hồ Chí Minh vẫn là khách tự do, vẫn là khách tiên. Tâm hồn ấy, trí tuệ ấy, nhân cách ấy không một ngục tù nào có thể giam hãm được. Cho nên, đọc Nhật kí trong tù, ta không thấy ở đấy là một người tù nữa, mà tưởng như gặp một vị khách tiên giữa chốn trần gian.