BÀI LÀM

Phong cảnh thiên nhiên trong bài Tràng giang thật là đẹp, hùng vĩ nhưng lại có nét đìu hiu, quạnh quẽ, và được phác họa một cách đơn sơ, rất gần với cách miêu tả thiên nhiên trong các bài thơ cổ điển. Chẳng hạn, ngay ở hai câu thơ đầu Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp - Con thuyền xuôi mái nước song song, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc một cảnh tượng sông nước mênh mông, bát ngát, những làn sóng gợn tới tận chân trời xa xăm. Con sông này không chỉ rộng mà còn kéo dài đến vô biên. Tương tự như vậy, hai câu Nắng xuống trời lên sâu chót vót - Sông dài trời rộng bến cô liêu thì không gian được mở rộng và đẩy lên cao thêm. Sâu gợi được ở người đọc ấn tượng thăm thẳm, hun hút khôn cùng. Chót vót khắc họa được chiều cao dường như vô tận. Càng rộng, càng cao thì cảnh vật thiên nhiên càng thêm vắng lặng, chỉ có sông dài với bờ bến lẻ loi, xa vắng. Trong bài thơ này, thiên nhiên không chỉ rộng lớn, bát ngát, quạnh hiu mà còn có vẻ đẹp riêng thật là tráng lệ. Ta có thể thấy điều này qua những câu thơ vừa trích và nhất là qua hai câu thơ: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc - Chim nghiêng cảnh nhỏ bóng chiều sa. Mùa thu, những đám mây trắng đùn lên ở phía chân trời, khi ánh dương phản chiếu vào những đám mây đó lấp lánh như những núi bạc. Thiên nhiên trong bài thơ này không được miêu tả một cách rậm rạp, dường như tác giả chỉ phác ra một số nét đơn sơ, chủ yếu ghi lấy hồn cốt của tạo vật.

Bài thơ có một loạt hình ảnh: sóng gợn tràng giang, con thuyền xuôi mái, cành củi khô, cồn nhỏ bến cô liêu, cánh bèo trôi dạt,... và âm thanh tiếng chợ chiều đã vãn. Dường như không có sự sắp xếp nào, nhưng có tác dụng khơi gợi nỗi buồn trước cuộc đời và trước vũ trụ bao la, rộng lớn. Điều đó trước hết thể hiện nỗi buồn, nỗi sầu của tác giả trước cuộc đời và trước vũ trụ rộng lớn. Nhưng đâu phải chỉ có thế, một loạt hình ảnh nói trên còn giúp người đọc cảm nhận được tâm trạng khao khát được gắn bó với cuộc đời với con người, với quê hương đất nước của Huy Cận.

Đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời của nó (trước Cách mạng tháng Tám), tâm trạng ấy của Huy Cận phải chăng cũng là tâm trạng chung của cả một thế hệ thanh niên khi mất nước và do đó, khiến người đọc hôm nay không có những cảm thông mà còn trân trọng.