GỢI Ý LÀM BÀI

Các ý chính:

1. Thơ Tố Hữu biểu hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng và cuộc sống cách mạng. Thơ Tố Hữu thường khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ hoạt động cách mạng và tình cảm của bản thân tác giả. Trong thơ Tố Hữu, đời sống và con người được khám phá, cảm nhận chủ yếu trên phương diện quan hệ với cuộc đấu tranh cách mạng, với lí tưởng và lẽ sống cách mạng, ân tình cách mạng. Thơ Tố Hữu, những bài hay thường là kết hợp cả ba vấn đề trên (như các bài Từ ấy, Việt Bắc, Bác ơi!...).

2. Thơ Tố Hữu đậm tính sử thi, chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.

Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu từ buổi đầu là cái tôi - chiến sĩ, rồi đến cái tôi - công dân, càng về sau là cái tôi nhận danh dân tộc, cách mạng (Ta đi tới, Việt Bắc trong tập Việt Bắc, nhiều bài thơ xuân trong tập Gió lộng cũng như hầu hết các bài thơ thời kì chống đế quốc Mĩ).

Nhân vật trữ tình của Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất của dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử và thời đại như hình tượng anh Giải phóng quân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lí, Mẹ Suốt...

Cảm hứng thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử - dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự, đời tư. Nổi bật trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc, cộng đồng, chứ không phải vấn đề số phận cá nhân, nói đúng hơn số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng.

3. Thơ Tố Hữu có giọng điệu riêng: giọng tâm tình. Thể hiện rõ từ những cách xưng hô với đối tượng trò chuyện, tâm sự, kêu gọi (Bạn đời ơi! Hỡi người bạn, anh Vệ quốc quân ơi!... cho đến cả thiên nhiên đất nước: Xuân ơi xuân, Hương Giang ơi, Đất nước ta ơi...)

4. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc: Tố Hữu sử dụng đa dạng các thể thơ truyền thống nhưng vẫn có nhiều biến hóa linh hoạt diễn tả nhiều trạng thái cảm xúc.

Về ngôn ngữ, Tố Hữu thường sử dụng từ ngữ và lối nói quen thuộc với dân tộc, những so sánh ví von truyền thống nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại.

Thơ Tố Hữu phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt. Tố Hữu có biệt tài sử dụng các từ láy, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, vần, tạo nên chất nhạc chứa đựng được cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc.